SFS VIETNAM 2024 được tổ chức với mục đích xúc tiến thương mại cũng như góp phần vào công cuộc phát triển ngành gỗ Việt Nam nói chung và tỉnh Bình Dương nói riêng.
Triển lãm sẽ chính thức diễn ra từ ngày 27 – 30/11/2024 tại Trung tâm triển lãm quốc tế WTC Expo Bình Dương. Dự kiến triển lãm quy tụ gần 300 gian hàng của 180+ nhà triển lãm và thu hút hơn 10,000 lượt khách tham quan, SFS VIETNAM 2024 hứa hẹn là một bước ngoặt đột phá của ngành gỗ Việt Nam cùng các vùng lãnh thổ lân cận.
Hiện tại, tính từ 20/8/2024 – 11/11/2024 trước thềm khai mạc, đơn vị tổ chức triển lãm đã triển khai bán được hơn 90% gian hang với 270 gian hàng trên tổng số 300 gian, lấp đầy hơn 11.000m2 trên tổng diện tích 12.000m2. Các doanh nghiệp tham gia gian hàng nổi bật trong số đó:Doanh nghiệp FDI: Cty máy chế biến gỗ KDT, RIKEN, Nanxing, ITTA, MUSTANG,...; doanh nghiệp Việt Nam: Công ty CP Tập Đoàn Cơ Điện Phương Linh, Công Ty Máy CBG Thượng Nguyên, Công ty Máy Móc Trường Phùng,...
Trong khuôn khổ của triễn lãm, nhằm mục đích bổ sung thêm những kiến thức chuyên sâu về ngành gỗ, đơn vị tổ chức cũng đã phối hợp cùng GCC CONSULTANCY & SCSSEA và công ty phần mềm HEXAGON để tạo nên một buổi hội thảo chuyên ngành với chủ đề: “Ứng dụng quy trình thông minh sử dụng phần mềm ALPHACAM và CABINET VISION”. Đây được xem là phần mềm có độ ứng dụng đa dạng nhất, linh hoạt trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Nổi bật nhất trong số đó là lĩnh vực nội thất, bao gồm các sản phẩm như: cửa chính, cửa sổ, tủ, cầu thang, điêu khắc trên mặt phẳng. Tất cả các sản phẩm được thiết kế từ 2D và thiết kế 3D đều có thể sản xuất dễ dàng và nhanh chóng với Phần mềm ALPHACAM.
Riêng CABINET VISION không chỉ đơn thuần là phần mềm CAD/CAM. Đây là một giải pháp kỹ thuật hoàn thiện cho ngành công nghiệp sản xuất tủ. Với hơn 35.000 người sử dụng tại 52 quốc gia, Cabinet Vision đã phát triển các giải pháp phần mềm trong hơn 30 năm và có sẵn ở 13 ngôn ngữ.
CABINET VISION nổi bật với các tính năng như: thiết kế tủ bếp và thiết kế phòng, xuất bản vẽ phối cảnh, tối ưu hóa vật liệu, báo giá và chi phí, chi tiết bản vẽ cắt ván và hóa đơn vật liệu. Kết hợp với S2M Center mạnh mẽ, phần mềm tự động xuất ra tập tin G-Code chạy cho các dòng máy CNC Nesting trên thị trường, máy P2P (point-to-point machines), máy cưa cắt tấm, máy khoan đóng chốt, máy cưa xẻ và các dòng máy CNC chuyên dụng khác.
Triển lãm cũng chính là cầu nối giúp các doanh nghiệp Việt Nam đáp ứng tốt hơn nhu cầu xuất khẩu ngày càng gia tăng, đặc biệt khi sản phẩm gỗ và nội thất Việt Nam đang nhận được sự quan tâm lớn từ các thị trường quốc tế.
Theo số liệu thống kê mới nhất tính đến tháng 10/2024, hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam tiếp tục là động lực thúc đẩy tăng trưởng. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam trong 10 tháng qua ước đạt 648,84 tỷ USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, xuất khẩu đạt 335,92 tỷ USD, tăng 15%, và nhập khẩu đạt 312,92 tỷ USD, tăng 17,1%.
Xuất khẩu đồ nội thất nhà bếp tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ, đạt 129 triệu USD trong tháng 10/2024, tăng 20,2% so với tháng trước và 10,3% so với cùng kỳ năm trước. Tính từ đầu năm đến nay, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này đạt 1,16 tỷ USD, tăng 25% so với năm 2023. Các thị trường lớn như Mỹ, Nhật Bản và EU vẫn là động lực chính cho ngành này. Đặc biệt, xuất khẩu sang Mỹ đạt 900,6 triệu USD, tăng 27,5% so với cùng kỳ, chiếm 87,2% tổng kim ngạch xuất khẩu nội thất nhà bếp.
Hiện nay, Việt Nam đã vươn lên đứng thứ 5 thế giới về tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và đứng thứ 2 thế giới (chỉ sau Trung Quốc) về nhóm sản phẩm đồ gỗ có giá trị gia tăng cao là đồ mộc trong nhà và ngoài trời.
Riêng đối với tỉnh Bình Dương nói riêng, toàn tỉnh hiện có hơn 1.200 doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gỗ, trong đó, có hơn 300 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Ngành chế biến gỗ cũng là ngành hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh Bình Dương với kim ngạch xuất khẩu 10 tháng năm 2024 đạt 5.404,7 triệu USD, tăng 24,1% so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 19% kim ngạch xuất khẩu cả tỉnh. Thị trường xuất khẩu chủ yếu là Mỹ chiếm 83,8% tổng số, tăng 25% so với cùng kỳ; EU chiếm 4,1%, tăng 16%; Nhật Bản chiếm 2,8%, tăng 17,9%; Canada chiếm 2,4%, tăng 14%; Hàn Quốc chiếm 1,7%, tăng 16,3%; Úc chiếm 1%, tăng 9,9% (theo số liệu của Cục Thống kê tỉnh Bình Dương 10 tháng năm 2024). Những tín hiệu tích cực từ ngành gỗ Bình Dương được ví như “đầu tàu” kéo ngành gỗ cả nước vào nhóm các ngành có tốc độ phát triển nhanh chóng.
Hội thảo chuyên ngành với chủ đề: “Ứng dụng quy trình thông minh sử dụng phần mềm ALPHACAM và CABINET VISION sẽ được tổ chức vào ngày 28/11/2024, tại WTC EXPO Bình Dương:
- Buổi sáng: từ 10h đến 12h15’ (dành cho doanh nghiệp Việt Nam – diễn giả trình bày bằng tiếng Việt)
-Buổi chiều: từ 13h đến 15h15’ (dành cho doanh nghiệp FDI – diễn giả trình bày bằng tiếng Trung/Anh)
Nội dung chính:
- Giới thiệu các giải pháp phần mềm HEXAGON: ALPHACAM & CABINET VISION
Tầm quan trọng của việc tích hợp hệ thống ERP với các công cụ CAD/CAM cho sản xuất nội thất thông minh.
Phiên 1: Sản xuất gỗ tấm thông minh
- Tích hợp CABINET VISION với ERP trong sản xuất đồ nội thất từ gỗ tấm.
-Hệ thống POS, quy trình CAD/CAM, quản lý BOM, công cụ tự động hóa.
- Tối ưu hóa quá trình xếp lồng (nesting), bộ cấu hình dữ liệu, tích hợp máy móc.
Phiên 2: Sản xuất gỗ nguyên khối thông minh
-Tự động hóa trong sản xuất gỗ nguyên khối sử dụng ALPHACAM.
-Macros, tự động hóa CNC, tích hợp ERP, kiểm soát sản xuất.
-Lập trình CNC nâng cao, quản lý nguyên vật liệu, quy trình làm việc tự động.
Thành phần diễn giả:
Ông Bernd Kahnert (CEO & Founder của GCC Consultancy) đến từ Đức, với hơn 30 năm kinh nghiệm về ngành công nghệ gỗ và chuyển đổi số. Ông tốt nghiệp Thạc sĩ Kỹ sư CN Gỗ từ ĐH Rosenheim danh tiếng và hiện đang quản lý 4 thị trường: EMEA, Mỹ, Úc và New Zealand.
Đại diện đến từ Úc có Ông Graham Rutter (GĐ Phát triển Kinh Doanh của SCSSEA) với hơn 30 năm kinh nghiệm về CNC và phần mềm CAD/CAM, hiện dẫn dắt đội ngũ SCSSEA quản lý thị trường Đông Nam Á.
Đồng thời sẽ có sự hỗ trợ của diễn giả Jeremy Wong đến từ Trung Quốc và 4 đại diện Việt Nam (Vincent Duong, Tony Lam, Tam Phung & Duong Nguyen).
Phú Cường