Kinhtenews - Những tưởng khách hàng là thượng đế khi bỏ ra hàng chục triệu đồng sắm một chiếc xe máy làm phương tiện đi lại hằng ngày... nhưng rút cuộc vẫn là đối tượng chịu nhiều thiệt thòi nhất từ việc làm giá xe của các đại lý.
Có lẻ, chẳng thị trường mô tô, xe máy nào lại tạo ra nhiều nghịch lý như ở Việt Nam. Khách hàng, những người góp phần mang lại doanh thu, lợi nhuận cho nhà sản xuất, đại lý kinh doanh xe máy và có trách nhiệm đóng thuế phí, khi tiêu thụ sản phẩm. Cuối cùng cũng chính là người phải chịu nhiều thiệt thòi nhất từ... nhu cầu của chính mình.
Những mẫu xe như Honda SH ra đại lý luôn có giá bán cao hơn giá nhà sản xuất công bố
Chắc hẳn không chỉ riêng tôi mà rất nhiều người khác từng tá hoả với cách làm giá xe của các địa lý. Một mẫu xe máy mới của Honda, Yamaha… ra mắt, tất nhiên ai cũng mong nhà sản xuất sẽ công bố giá niêm yết. Thế nhưng thực tế cho tôi thấy hãy đừng vội mơ sẽ sở hữu đuộc chiếc xe với mức giá mà hang công bố! Khi ra đến cửa hàng phân phối, căn cứ vào nhu cầu thị trường, lượng khách hàng, hầu hết đại lý mới chính là đơn vị có khả năng chi phối giá xe.
Tháng trước, khi mua xe máy cho con gái đi lại phục vụ việc học. Tôi rảo quanh một số đại lý, là Head chính hãng của Honda và cả đại lý tư nhân ở quận 5, TP.HCM. Nói chuyện với nhân viên bán hàng, được biết một chiếc Honda AirBlade, Honda Lead, Honda Vision, Yamaha Exciter… có thể chênh giá từ 3 - 6 triệu đồng so với giá niêm yết của nhà sản xuất. Thậm chí, những mẫu tay ga như Honda SH, SH Mode nếu thuộc dạng hàng “hot”, giá bán có thể đội lên cả chục triệu đồng. Biết là chẳng có gì lạ nhưng ngẫm ra mới thấy bất công. Sức hấp dẫn hay cái gọi là độ “hot” của một sản phẩm, trên thực tế phần nào phụ thuộc vào nhu cầu của người tiêu dùng. Thế nhưng, các đại lý phân phối lại lợi dụng chính điều này để làm giá, trục lợi từ việc phân phối xe, với cái lý do mà tôi cho rằng đầy vô lý “xe khan hàng thì giá bán tăng!"
Tôi còn nhớ, khi mẫu Yamaha NVX bán ra tại Việt Nam vào cuối năm 2016, trên các diễn đàn, hội chơi xe, không ít thành viên than vãn về việc các đại lý làm giá xe quá cao so với giá niêm yết của nhà sản xuất, khiến họ phải chịu thiệt. Những người có nhu cầu mua xe luôn đứng trước những sự lựa chọn! Một là đặt tiền, đồng ý mua xe với giá cao hơn giá nhà sản xuất đưa ra. Hai là chờ hoặc cứ mặc sức đi khảo giá. Mà đã chờ thì chẳng biết đến bao giờ xe mới về đúng giá niêm yết. Để rồi khi nuốt cục tức đặt tiền mua xe, không ít người phải trả số tiền lớn hơn so với giá trị xe ghi trên hóa đơn sản phẩm của đại lý. Và cứ thế, mỗi khi những thế hệ mới của Honda AirBlade, Honda Lead, Honda Vision, Yamaha Exciter… ra mắt, điệp khúc “xe đội giá” lại xuất hiện trên các diễn đàn hay nhan nhản trên mặt báo.
Điều này không chỉ cá nhân tôi mà không ít người tiêu dùng khác tôi nghĩ cũng bức xúc khi mua xe máy. Hiển nhiên, việc đại lý kê khai giá trị xe trên hóa đơn thấp hơn giá bán thực tế làm thất thoát nguồn thu từ phí trước bạ của mỗi chiếc xe máy bị đội giá và khi chấp nhận mua, chẳng khác nào chúng ta thỏa hiệp. Tất nhiên, với người tiêu dùng, ai chẳng mong có những biện pháp hạn chế tình trạng này để có thể mua một chiếc xe đúng giá trị thực tế của nó.
Mới đây, có thông tin Bộ Tài chính đã ra quyết định điều chỉnh giá tính phí trước bạ với một số mẫu xe của Honda, Yamaha. Cách làm này phần nào có thể hạn chế được tình trạng thất thoát nguồn thu phí trước bạ do đại lý đội giá bán xe. Tuy nhiên, có thể chấm dứt được tình trạng xe đội giá hay không thì không ai có thể trả lời.
Về phía đại lý phân phối, có chăng cũng chỉ làm giảm bớt khoản lợi nhuận trên mỗi chiếc xe được bán tới tay khách hàng, nếu so với cách tính cũ. Bởi trên thực tế, với mức giá niêm yết, hệ thống các đại lý đã được hưởng mức chiết khấu từ nhà sản xuất. Còn với người tiêu dùng! Việc tăng giá tính phí trước bạ mới khiến họ phải bỏ ra thêm từ 1 đến 3 triệu đồng phí trước bạ và biển số xe so với trước đây, khi mua các những mẫu xe như Honda AirBlade, Honda Vision, Honda SH, Honda SH Mode hay Yamaha Janus.
Thế mới thấy rằng, trong cuộc chiến chống việc đại lý làm giá xe máy tại thị trường Việt Nam, rút cuộc rồi trăm dâu lại đổ đầu tằm, người tiêu dùng vẫn là đối tượng chịu nhiều thiệt thòi nhất.
Độc giả Lê Cảnh Toàn
Bài viết đóng góp, xin gửi về email:
vnkinhtenews@gmail.com