Kinhtenews - Gần như hàng ngày, các tờ báo Mỹ, Châu Âu và Trung Quốc đều đưa tin về những tiến bộ công nghệ và sức mạnh kinh tế của cường quốc Châu Á. Mặc dù những thành tựu này không thể chối cãi nhưng chúng không chứng minh được sự thất bại của chính quyền Phương Tây hay sự bất khả chiến bại của Trung Quốc.
Mua hàng ngoài chợ bằng mã QR ở Trung Quốc
Hiện nay, nhiều chuyên gia trên thế giới đang bỏ qua các yếu tỗ khách quan khi đánh giá thành tựu của Trung Quốc. Chẳng hạn, khoảng cách địa lý sẽ tác động vô cùng lớn đến lượng giao dịch thương mại dù quan hệ 2 nước có nồng ấm bao nhiêu. Tiêu biểu là giao thương giữa Trung Quốc và Bolivia có giới hạn nhất định dù có quan hệ nồng ấm, do bị giới hạn về khoảng cách.
Ngược lại, dù có quan hệ băng giá nhưng giao dịch thương mại và lưu lượng đầu tư giữa Bắc Kinh và Đài Loan lại khá lớn do khoảng cách cũng như sự gần gũi về văn hóa, ngôn ngữ.
Điều tương tự cũng xảy ra với các tập đoàn công nghệ Trung Quốc khi các chuyên gia quá chú trọng vào sự trợ giúp của chính quyền Bắc Kinh mà quên đi mất những yếu tố khách quan khiến các công ty này có cơ hội bùng nổ mạnh mẽ mà không quốc gia nào trên thế giới có được.
Ví dụ thanh toán điện tử, Trung Quốc hiện đã là nước dẫn đầu thế giới về mảng này và thành công này không chỉ nhờ sự hỗ trợ từ chính quyền Bắc Kinh. Năm 2016, người dân Trung Quốc đã chi hơn 5 nghìn tỷ USD qua các giao dịch bằng điện thoại, cao hơn 50 lần so với Mỹ và con số này dự kiến tăng mạnh hơn nữa trong năm 2017. Nhờ các nền tảng đơn giản, phổ biến kết nối người mua với người bán, nhiều thành phố Trung Quốc thậm chí đã không còn dùng tiền mặt.
Ngoài ra, việc các ngân hàng “lỗi thời” của Trung Quốc chuyên phục vụ lợi ích lâu dài cho các công ty hơn là người tiêu dùng đã làm chậm sự phát triển của mảng thẻ tín dụng. Thậm chí nhiều cửa hàng hiện nay không chấp nhận thẻ ngân hàng mà chỉ lấy tiền mặt hoặc thanh toán điện tử do không muốn mất thời gian với hệ thống tài chính không hiệu quả này.
Hơn nữa, sự thống trị độc quyền của các hãng thanh toán di động lớn như Tencent, Alibaba đã khiến thị trường tiêu dùng Trung Quốc trở nên thống nhất và dễ dàng giao dịch hơn bất cứ nơi nào trên thế giới. Người Trung Quốc dùng tới 30% thời gian sử dụng điện thoại của mình cho Wechat, bao gồm cả việc thanh toán hóa đơn, đặt taxi, trao đổi thông tin và giao dịch. Trong khi đó Alibaba chiếm tới 60% thị trường thương mại điện tử năm 2016 và hơn 50% vào năm 2017.
Trái ngược lại, thị trường tiêu dùng Phương Tây ngập tràn những lựa chọn khi nói đến phương tiện thanh toán. Họ có thể dùng tiền mặt, thẻ tín dụng, thẻ ngân hàng với vô vàn ứng dụng và các hãng thanh toán khác nhau.
Trong khi công nghệ thanh toán di động ra đời, các phương tiện thanh toán khác cũng thay đổi theo nhằm bắt kịp xu thế. Đối với người tiêu dùng Phương Tây, không có sự khác nhau nhiều giữa việc quẹt mã QR với quẹt thẻ tín dụng công nghệ cảm ứng (RFID) khi thanh toán. Thậm chí với thẻ RFID, người dùng còn không cần phải tải các ứng dụng hay học thêm công nghệ gì mới.
Ăn xin bằng mã QR ở Trung Quốc
Khó khăn khi mở rộng thị trường ra nước ngoài
Điều tương tự cũng đang diễn ra với các ngành kinh doanh khác. Ví dụ như mảng bán lẻ, Alibaba đã thành công lớn bởi những khó khăn khi xây dựng các cửa hàng bán lẻ ở Trung Quốc chứ không riêng gì sự hỗ trợ từ chính quyền Bắc Kinh. Khoảng ¼ số thành phố có hơn 500.000 dân trên thế giới là thuộc Trung Quốc, cao gấp đôi so với Ấn Độ. Giá bất động sản tại các khu vực thành phố cao ngất ngưởng, qua đó giới hạn số cửa hàng có thể mở cũng như các lựa chọn của người tiêu dùng.
Chính điều này đã khiến nền tảng thương mại điện tử của Alibaba và JD thu hút được cả người tiêu dùng lẫn người bán. Từ đây, hàng loạt cơ hội kinh doanh được mở ra như mảng điện toán đám mây, quảng cáo, cho vay điện tử… Thay vì phải mở cửa hàng, các công ty chỉ việc mở shop online trên Alibaba, nhận đơn hàng và vận chuyển trực tiếp từ nhà kho đến cho khách.
Sự đơn giản đến bất ngờ này đã khiến thương mại điện tử ở Trung Quốc bùng nổ dữ dội, khiến nhiều chuyên gia kinh tế phải bất ngờ. Tuy nhiên thay vì thừa nhận thực tế, hàng loạt những chỉ trích lại nhằm vào việc bảo hộ cũng như hỗ trợ của chính quyền Bắc Kinh mà quên đi mất yếu tố khách quan của thị trường Trung Quốc.
Ngay cả cơn sốt mảng dịch vụ chia sẻ xe đạp gây chú ý với giới truyền thông Phương Tây, ngoài sự khuyến khích của chính phủ thì môi trường độc đáo tại đây cũng là một nguyên nhân chủ chốt. Những người dân có thu nhập thấp hay giới văn phòng muốn di chuyển từ các trạm phương tiện công cộng đến nơi làm thích chọn xe đạp, nhất là với nạn tắc đường kinh khủng ở đây. Tuy nhiên tại Phương Tây, ngay cả những nước thích xe đạp như Hà Lan lại chưa thực sự cần sở hữu xe đạp ngay bởi họ vẫn có thể lái ô tô hoặc di chuyển bằng phương tiện công cộng mà không muộn làm.
Có thể nói, chính vì những yếu tố khách quan này mà các công ty Trung Quốc có thể thành công ở trong nước nhưng lại gặp khó khi mở rộng ra nước ngoài do khác biệt về văn hóa và các điều kiện tương tự. Việc thiếu hỗ trợ của chính phủ Trung Quốc chỉ là một phần của những nguyên nhân đó.
AB
Bài viết đóng góp, xin gửi về email:
vnkinhtenews@gmail.com