Kinhtenews - Một trong 7 hành vi vi phạm có thể của Con Cưng, theo đại diện Ban chỉ đạo 389, là "hàng hóa nhập khẩu không có hóa đơn chứng từ".
Bảy hành vi vi phạm của chuỗi siêu thị Con Cưng được ông Nguyễn Trọng Tín - Phó cục trưởng Quản lý thị trường (Bộ Công Thương), đại diện Ban Chỉ đạo quốc gia về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban chỉ đạo 389) - nêu tại cuộc họp báo sáng 31/7 sau khi kiểm tra doanh nghiệp này từ 20/7.
Đó là Con Cưng bán hàng hoá nhập khẩu không có hoá đơn chứng từ; hàng hoá sản xuất tại Việt Nam nhưng ngôn ngữ trình bày không phải bằng tiếng Việt; sử dụng nhãn giấy dán mang nội dung khác đè lên nhãn gốc; túi nilon đựng sữa ghi sử dụng công nghệ Đức nhưng không ghi xuất xứ sản phẩm; mỹ phẩm trên nhãn không thể hiện số công bố lưu hành; nhiều loại hàng hóa có nhãn không ghi đầy đủ các nội dung theo quy định và thực hiện nhiều chương trình khuyến mại nhưng chưa xuất trình được các giấy tờ có liên quan.
Một cửa hàng của chuỗi siêu thị Con Cưng.
“Với bảy hành vi này, Con Cưng sai rồi, đủ để doanh nghiệp bị xử lý”, Phó cục trưởng Cục Quản lý thị trường cho hay. Theo ông Tín, đơn vị này đang tiếp tục điều tra, làm rõ để xem xử lý Con Cưng ở mức độ nào. Hiện 17 cán bộ của Bộ Công Thương và các đơn vị liên quan vẫn đang làm việc tại TP HCM và sẽ tiếp tục kiểm tra triệt để các cửa hàng của chuỗi Con Cưng.
Trong khi đó, Con Cưng nhiều lần khẳng định mình không bán hàng giả, hàng nhái trong các thông cáo phát đi. Chuỗi siêu thị này khẳng định, các sản phẩm được bán trong hệ thống đều là hàng chính hãng, 100% hàng hóa có giấy tờ chứng minh xuất xứ. Những sản phẩm bị khiếu nại của khách hàng hay thu giữ của cơ quan quản lý thị trường là do sai sót từ đơn vị gia công và lý do khách quan như đối tác của Con Cưng đổi tên công ty.
Tại buổi làm việc với các cơ quan chức năng chiều 30/7, ông Nguyễn Quốc Minh, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Con Cưng cho biết, doanh nghiệp đang cố gắng xây dựng thương hiệu Việt. Do đó, chỉ 30% sản phẩm kinh doanh trong chuỗi 350 siêu thị được gia công tại nước ngoài. Đây là những sản phẩm đòi hỏi chất lượng, trình độ sản xuất mà đối tác trong nước chưa thể đáp ứng.
“Với khoảng 600.000 khách hàng mỗi tháng, doanh thu của Con Cưng tăng trưởng 100% qua từng năm. Công ty cũng dự kiến đến năm 2020 sẽ niêm yết trên sàn chứng khoán nên không có lý do gì để chúng tôi làm ăn gian dối, gây thiệt hại cho chính mình lẫn người tiêu dùng”, ông Minh khẳng định.
Nghi vấn hệ thống siêu thị Con Cưng gian lận xuất xứ hàng hoá xuất phát từ khiếu nại của một khách hàng tại TP HCM về việc bộ quần áo thun có mã sản phẩm CF G127011 mua tại chuỗi siêu thị này có dấu hiệu bị cắt tem nhãn và thay thế bằng tem xuất xứ "Made in Thái Lan".
Sau đó, chuỗi siêu thị Con Cưng liên tiếp bị phát hiện nhiều sản phẩm không có chứng từ chứng minh nguồn gốc khi cơ quan quản lý thị trường đến kiểm tra.
Tại họp báo sáng 31/7, Ban chỉ đạo 389 thông báo, 6 tháng đầu năm đã phát hiện, bắt giữ, xử lý 88.229 vụ buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, thu nộp ngân sách hơn 7.400 tỷ đồng. Trong đó, 887 vụ việc đã bị khởi tố, với 889 đối tượng.
Tại khu vực biên giới, cửa khẩu đường bộ, sau khi bãi bỏ chính sách ưu đãi thuế đối với các khu kinh tế cửa khẩu, tình trạng buôn lậu thuốc lá, rượu ngoại, mỹ phẩm, đường cát... diễn ra rất phức tạp. 6 tháng đầu năm, riêng tại địa bản Quảng Trị, các lực lượng chức năng đã bắt giữ gần 350.000 kg đường cát, đường kính nhập lậu. Trong khi đó, buôn lậu gỗ diễn ra nghiêm trọng tại các tỉnh có biên giới giáp Campuchia và Lào.
Tại các cảng hàng không, bưu điện quốc tế, nhiều vụ vi phạm bị phát hiện là hàng hóa gọn nhẹ, có giá trị cao như vàng, ngoại tệ, mỹ phẩm, tân dược, thiết bị công nghệ... Đồng thời, nhiều vụ vận chuyển ma túy cũng được phát hiện qua đường bưu phẩm, chuyển phát nhanh... Trên các tuyến đường biển, tình trạng buôn lậu xăng dầu vẫn diễn ra hết sức phức tạp.
Trong thị trường nội địa, tình trạng sản xuất, vận chuyển, buôn bán hàng hóa không có nguồn gốc xuất xứ, hàng giả, hàng kém chất lượng như: phân bón, thuốc bảo vệ thực vật còn diễn ra ở nhiều nơi. Dược phẩm, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm... kém chất lượng, không rõ nguồn gốc đang có chiều hướng gia tăng.
Anh Tú
Bài viết đóng góp, xin gửi về email:
vnkinhtenews@gmail.com