Kinhtenews - Công ty Cổ phần Con Cưng, chuỗi bán lẻ hàng hóa dành cho mẹ và bé, đang chịu sức ép giải trình về sự minh bạch trong kinh doanh.
Công ty Cổ phần Con Cưng, chuỗi bán lẻ hàng hóa dành cho mẹ và bé đang vấp phải cuộc khủng hoảng truyền thông lớn, liên quan đến việc khách hàng nghi ngờ cắt đổi nhãn mác xuất xứ sản phẩm. Do là ngành hàng nhạy cảm phục vụ bà mẹ và trẻ em, nên mức độ quan tâm của công chúng rất lớn, kéo theo đó là sức ép từ dư luận cũng như cơ quan chức năng đối với chuỗi cửa hàng Con Cưng.
Liên quan đến khiếu nại của khách hàng cho mã sản phẩm CF G120711, sự kiện châm ngòi cho nghi vấn gian lận ở Con Cưng, trong thông cáo báo chí gửi cho khách hàng ngày 22.7, Con Cưng đã trình ra các bằng chứng cho thấy, mã hàng CF G120711 có nguồn gốc tại Thái Lan, do Công ty International Incorporated (Thái Lan) sản xuất. Lô hàng có đơn đặt hàng rõ ràng, với hợp đồng số PO2017OEM49 ký ngày 10.11.2017. Toàn bộ lô hàng này đã được cấp chứng nhận xuất xứ hàng hóa C/O mẫu D số D2017-0356082 bởi Sở Ngoại thương trực thuộc Bộ Thương mại Thái Lan. Con Cưng cũng trưng ra được tờ khai hàng hóa hải quan và giấy vận đơn cho lô hàng.
Với đầy đủ chứng từ giấy tờ, theo kinh nghiệm của Trưởng Phòng xuất nhập khẩu một công ty chuyên về xuất khẩu ở TP.HCM, “sẽ không có tình trạng gian lận hàng hóa ở khâu nhập khẩu”. Trên thực tế, hàng hóa nhập khẩu trước khi thông quan đều được hải quan kiểm tra chặt chẽ. Thông tin giữa các giấy tờ và lô hàng phải đúng, phải khớp thì lô hàng mới được thông quan.
Nhưng vì sao mã sản phẩm CF G120711 lại xảy ra tình trạng cắt ghép nhãn mác? Con Cưng giải thích, đó là do lỗi kỹ thuật từ phía nhà sản xuất. Con Cưng cũng đã gửi báo chí thư xác nhận từ International Incorporated, trong đó xác nhận lô hàng bán cho Con Cưng có nguyên liệu 100% từ Thái Lan, đồng thời, “trong quá trình sản xuất, một số nhãn mác không đáp ứng được yêu cầu của Con Cưng”.
Trả lời báo chí, đại diện của Công ty cho biết thêm: “Phía nhà sản xuất dù đã ký hợp đồng với Con Cưng nhưng có thể còn gia công cùng loại sản phẩm cho những công ty ở các thị trường khác. Điều này dẫn tới khả năng bị nhầm lẫn giữa những đơn hàng khác nhau”. Theo lý giải này, International Incorporated đã nhầm lẫn đơn hàng, gắn nhầm tem cho lô hàng và đã xử lý lại bằng cách cắt mã cũ, gắn mã mới vào. Còn Con Cưng thừa nhận sai sót trong khâu kiểm tra chất lượng đầu vào và quyết định thu hồi lại sản phẩm thuộc lô hàng, rà soát lại quy trình, hệ thống nội bộ để tránh tình trạng tương tự xảy ra.
Tuy nhiên, những tưởng câu chuyện xuất xứ sản phẩm Thái Lan êm xuôi thì sự việc đã xoay theo chiều hướng khác, mở rộng hơn với thông tin gần 6.000 sản phẩm ở Con Cưng bị Cục Quản lý thị trường thu hồi, do liên quan đến quy định ghi nhãn mác (như in mờ nhạt, mác treo ở ngoài móc, không gắn tên địa điểm kinh doanh, chưa xuất trình được xác nhận của Sở Công Thương TP.HCM về chương trình khuyến mãi đang thực hiện)... Bà Nguyễn Hồng Liễu, Trưởng Ban Pháp chế của Con Cưng, cho biết Công ty phải có trách nhiệm giải trình với cơ quan chức năng để chứng minh sự minh bạch của mình trong kinh doanh.
Theo các luật sư tư vấn, nếu đối tác của Con Cưng không cung cấp được giấy tờ cần thiết hoặc cung cấp giấy tờ không đúng với hợp đồng đã ký với Con Cưng sẽ chịu trách nhiệm với người tiêu dùng và pháp luật Việt Nam; còn đơn vị sản xuất chịu trách nhiệm với Con Cưng.
Người tiêu dùng có thể thông cảm được về những sai sót do ghi thiếu thông tin trên nhãn mác hàng hóa nhưng nếu để đánh tráo nguồn gốc sản phẩm, vấn đề sẽ trầm trọng. Tuy nhiên, nhìn nhận khách quan, Con Cưng khó có động lực bán rẻ mình. Theo các nhà quan sát, một khi đã là nhà bán lẻ chuyên nghiệp, thông thường ban lãnh đạo các công ty đều hướng đến mục tiêu phát triển dài hạn, ít ai vì lòng tham trước mắt mà bất chấp hậu quả.
Hiện tại, Con Cưng đã thiết lập được gần 350 cửa hàng. Nhưng đến cuối năm nay, con số này dự kiến tăng mạnh lên 500 cửa hàng Con Cưng và Toycity. Mục tiêu đến năm 2020, Con Cưng sẽ đạt 1.000 cửa hàng và hướng tới niêm yết trên sàn chứng khoán. Với chiến lược gia tăng quy mô, mở rộng chuỗi bán lẻ như vậy, Con Cưng phải hết sức giữ gìn uy tín, thương hiệu của mình.
Cũng cần thấy rằng, chỉ riêng kinh doanh hàng nhập khẩu có thương hiệu, Con Cưng đã có thể đạt mức sinh lời đủ hấp dẫn. Theo chia sẻ từ những chủ shop quần áo trẻ em, nếu có yếu tố thương hiệu, uy tín, chấp nhận đổi trả, hỗ trợ tốt cho khách hàng, suất sinh lời trong ngành này có thể “1 lời 1”.
Với những đơn vị bán lẻ theo chuỗi như Con Cưng, mức sinh lời này có thể thấp hơn do phải đầu tư nhiều chi phí, tuân thủ các tiêu chuẩn về chất lượng hàng hóa... Hơn nữa, trong giai đoạn đầu tư, quảng bá, mở rộng chuỗi, Con Cưng có thể phải tạm hy sinh phần lợi nhuận. Nhưng bù lại doanh thu của Con Cưng đã tăng trưởng thần tốc. Nếu như năm 2015, Con Cưng mới chỉ đạt 114 tỉ đồng doanh thu thì cuối năm ngoái, con số đã tăng lên 921 tỉ đồng.
Con Cưng lại là doanh nghiệp đã hoạt động theo mô hình công ty cổ phần, với quyền lợi liên quan đến nhiều bên góp vốn. Con Cưng còn nhận được vốn góp từ cổ đông bên ngoài. Điển hình đầu năm ngoái, Quỹ Đầu tư tăng trưởng Việt Nam Daiwa-SSIAM II, do Daiwa (Nhật) và SSIAM quản lý đã rót vốn vào Con Cưng. Mô hình công ty cổ phần, với nhiều bên tham gia góp vốn, lại định hướng sẽ niêm yết trong nay mai sẽ không cho phép ban lãnh đạo Con Cưng tự ý kinh doanh.
Ông Nguyễn Duy Hưng, đại diện cho chủ sở hữu ở quỹ SSIAM, đã khẳng khái xác nhận trên trang mạng xã hội của mình: “Mặc dù một trong các quỹ do Công ty quản lý quỹ SSI quản lý là cổ đông lớn của Con Cưng nhưng không vì thế mà bao che hoặc kiếm giải pháp không đúng sự thật để xử lý truyền thông”.
Chuyên gia kinh tế Trần Bằng Việt cho rằng, ở quy mô hàng trăm cửa hàng như Con Cưng mà để xảy ra khủng hoảng nghiêm trọng là ban quản trị chưa làm việc hiệu quả. Ngoài ra, vì những chậm trễ, thiếu kinh nghiệm trong xử lý khủng hoảng mà Con Cưng càng gặp nhiều thông tin bất lợi. Trên hết, kinh nghiệm quản lý nguồn hàng, kinh doanh với đối tác nước ngoài càng phải cẩn trọng hơn. Ông Vũ Quang Anh, Giám đốc Kinh doanh Tiếp thị Công ty Liên Phương, từng chia sẻ với NCĐT về kinh nghiệm “cẩn trọng” của đối tác Nhật trước khi bắt tay gia công với Liên Phương.
“Suốt 2 năm làm việc, chúng tôi phải trải qua quá trình hỗ trợ và kiểm tra rất khắt khe của các chuyên gia Nhật. Thậm chí, Takisada-Nagoya còn cử 11 nhóm kinh doanh trên thế giới lần lượt đến để làm việc, quan sát và đánh giá chúng tôi”. Thông thường, một mét vải bán ra, khách có thể chấp nhận 10 lỗi, nhưng với đơn hàng sang Nhật, chỉ chấp nhận trong 10m vải có duy nhất một lỗi nhưng là lỗi có thể sửa chữa, hoặc phần vải lỗi có thể cắt bỏ.
Cũng theo ông Quang Anh, đối tác Nhật đem từng kiện hàng ra kiểm tra chứ không kiểm tra đại diện vài kiện như những đơn hàng khác. Bài học của người Nhật cho thấy nhà sản xuất thay vì hoàn toàn tin tưởng vào đối tác, tin tưởng vào giấy tờ do đối tác cung cấp, thì doanh nghiệp cần có biện pháp kiểm tra chéo độc lập.
Khi công chúng phải nghe về các vụ bê bối hầu như mỗi ngày, người ta dễ “nổi giận” hơn với các sai sót lớn nhỏ của doanh nghiệp, tạo sức ép khiến doanh nghiệp phải đi đến cùng về nguồn gốc hàng hóa. Vì thế, bài học của Con Cưng vẫn là bài học đắt giá cho nhiều doanh nghiệp Việt Nam trong việc tuân thủ các quy định của pháp luật, kiểm tra nguồn gốc hàng hóa, dán tem nhãn...
P.V
Bài viết đóng góp, xin gửi về email:
vnkinhtenews@gmail.com