Kinhtenews - Trước tình trạng phân lô, bán nền diễn ra phức tạp ở một số địa phương, UBND Đồng Nai đã thành lập 3 đoàn để thanh tra tại TP.Biên Hòa, H.Trảng Bom và Vĩnh Cửu.
Hiện trạng các nhà xưởng xây dựng trại phép tại cụm công nghiệp Phước Tân. Lê Lâm
Bát nháo trong cơn sốt đất
Lợi dụng sự buông lỏng quản lý của địa phương, trong thời gian qua, nhất là giai đoạn đầu năm 2018 khi địa ốc trở nên “sốt” giá bất thường; nhiều cá nhân, tổ chức đã tiến hành phân lô, bán nền đất nông nghiệp. Trong số này tập trung nhiều nhất là ở các địa phương TP.Biên Hòa, H.Vĩnh Cửu và Trảng Bom.
Điển hình như tại xã Bình Hòa và xã Tân Bình (H.Vĩnh Cửu), hàng chục héc-ta đất lúa bị san lấp, cắm mốc, phân lô rao bán với giá từ 350 - 750 triệu đồng/100 m2 (tùy theo vị trí), mọi giao dịch chỉ thực hiện bằng giấy tay. Còn tại H.Trảng Bom, nhiều trường hợp còn xẻ cả đồi, lấy đất dưới hành lang dưới điện để rao bán. Và trong tất cả các trường hợp trên, khi có người hỏi mua, chủ đất đều trấn an rằng đang trong quá trình xin chuyển đổi mục đích sử dụng, chỉ trong một thời gian ngắn nữa là có thể tách sổ, cấp sổ riêng cho từng người mua.
Trong khi đó, tại TP.Biên Hòa do áp lực dân số tăng cao, nhiều năm qua địa phươn này còn là điểm nóng về phân lô, bán nền, xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp, đất quy hoạch. Tình trạng này không chỉ diễn ra tại xã, phường vùng ven như Trảng Dài, Long Bình, xã Phước Tân và còn ở các phường trong nội ô như Tân Hiệp, Tân Phong… Nghiêm trọng hơn, có tổ chức còn phân lô, bán cả đất được giới thiệu làm cụm công nghiệp. Cụ thể, xảy ra ở cụm công nghiệp Phước Tân (xã Phước Tân, TP.Biên Hòa). Sau khi được UBND tỉnh Đồng Nai giới thiệu địa điểm 72 ha đất ở ấp Tân Cang (xã Phước Tân) làm cụm công nghiệp, theo luật chủ đầu tư phải tiến hành các thủ tục pháp lý liên quan như xin phép chuyển đổi mục đích sử dụng, xin giấy phép làm cụm công nghiệp; đầu tư hệ thống hạ tầng, điện, nước, hệ thống xử lý nước thải… Tuy nhiên, dù chưa hoàn thiện các thủ tục hồ sơ pháp lý trên nhưng chủ đầu tư đã phân lô, bán nền, ồ ạt xây dựng trái phép. Hệ quả có khoảng 60 doanh nghiệp đã xây dựng nhà xưởng, nhà máy trái phép tại đây. Hiện vụ việc đang được UBND tỉnh Đồng Nai giao cho Sở TN-MT xác minh, làm rõ.
Xử lý trong tháng 8.2018
Trước tình hình trên, UBND tỉnh Đồng Nai vừa thành lập 3 đoàn thanh tra nhằm làm rõ những sai phạm trong việc phân lô, bán nền, xây dựng trái phép tại H.Vĩnh Cửu, Trảng Bom và TP.Biên Hòa, đề xuất hướng xử lý đối với các cá nhân, đơn vị liên quan trong tháng 6.2018. Căn cứ vào kết quả thanh tra của các đoàn, cơ quan chức năng Đồng Nai sẽ đề ra các biện pháp nhằm giải quyết dứt điểm những tồn tại, bất cập trong quản lý xây dựng, đất đai tại 3 địa phương trên; rút ra bài học nhằm chấn chỉnh, không để tình trạng này tái diễn. Đối với các huyện, thị còn lại, UBND tỉnh Đồng Nai chỉ đạo kiểm tra, rà soát để chấn chỉnh, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng phân lô, bán nền, xây dựng trái phép, nhất là những nơi đang có tốc độ đô thị hóa nhanh, vùng triển khai các dự án lớn như H.Long Thành, Nhơn Trạch.
Ông Võ Văn Chánh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết nhằm ngăn chặn tình trạng phân lô bán nền tràn lan, phá vỡ quy hoạch, tỉnh đã ban hành quy định về diện tích tối thiểu được tách thửa đối với từng loại đất trên địa bàn. Tuy nhiên, một số huyện, thị trong tỉnh đã buông lỏng công tác quản lý nhà nước về đất đai, khiến tình trạng phân lô, bán nền, xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp diễn ra rất phức tạp.
“Theo quy định của pháp luật, khi phát hiện xây dựng trái phép, cấp xã sẽ lập biên bản, xử phạt và có biện pháp ngăn chặn. Thế nhưng, thời gian qua, ở một số địa bàn vấn đề này bị lơ là, chính quyền cơ sở không kiểm soát được tình hình nên phải thanh tra để xử lý”, ông Chánh cho hay.
Lê Lâm
Bài viết đóng góp, xin gửi về email:
vnkinhtenews@gmail.com