2018 số lượng tranh chấp qua trọng tài tăng gấp 1,5 lần

KINHTENEWS - Trong năm 2018, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) đã tiếp nhận 180 vụ tranh chấp của các doanh nghiệp (DN) bằng cơ chế trọng tài với tổng giá trị tranh chấp 9.400 tỷ đồng, tăng gấp 1,5 lần so với năm 2017. 

Đây là thông tin được công bố ở Tọa đàm “Trọng tài và Báo chí”, do Chi nhánh Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) tại Tp. Hồ Chí Minh tổ chức chiều ngày 11/1. 

Thống kê cho thấy, số lượng hoạt động của VIAC năm 2018 tăng gấp 1,5 lần so với năm 2017, chất lượng các hoạt động cũng được tăng cao. Trong số đó, có thể kể đến trên 60 quốc gia và 50 tỉnh, thành tại Việt Nam có doanh nghiệp là các bên tranh chấp tại VIAC.

Đáng chú ý, theo thống kê, 150 ngày là thời gian trung bình giải quyết một vụ tranh chấp tại VIAC, chỉ có 1% phán quyết trọng tài VIAC bị huỷ trong vòng 5 năm qua… 

Tọa đàm "Trọng tài và báo chí ".

Thực tế cho thấy việc giải quyết tranh chấp của DN tại tòa án và phương thức sử dụng trọng tài có nhiều điểm khác biệt. Đơn cử, về thủ tục giải quyết, các bên thỏa thuận về trọng tài, còn với tòa án, hầu hết được ấn định sẵn. Về người phân xử, các bên được tự do lựa chọn dựa trên đánh giá về chuyên môn, kinh nghiệm, uy tín nếu sử dụng trọng tài. Trong khi với tòa án, chánh án chỉ định thẩm phán giải quyết vụ án cụ thể. Về ngôn ngữ, với cơ chế trọng tài, các bên sẽ thỏa thuận nếu có yếu tố nước ngoài, trong khi với tòa án chỉ sử dụng tiếng Việt. Việc tiếp cận thông tin cũng khác biệt khi cơ chế trọng tài, thông tin luôn thông suốt, các bên được nhận toàn bộ hồ sơ vụ kiện...

Ông Vũ Ánh Dương, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký VIAC cho biết, các tranh chấp đa dạng ngành nghề ở nhiều lĩnh vực như thương mại, đầu tư, sản phẩm, dịch vụ… Bên cạnh đó, số vụ tranh chấp giữa doanh nghiệp Việt Nam với các nước, tương đồng với các quốc gia có hoạt động đầu tư, thương mại… lớn tại thị trường Việt Nam. 

Theo ông Vũ Ánh Dương, trong thời tới, VIAC đang nghiên cứu triển khai thủ tục tố tụng trực tuyến và đưa ra giải quyết tại trung tâm. Đồng thời, thông qua cổng thông tin trực tuyến tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong và ngoài nước tiếp cận dễ dàng. Song song đó, không ngừng nâng cao chất lượng hoạt động của trung tâm và đội ngũ nguồn nhân lực để đưa đến cộng đồng doanh nghiệp những phương thức giải quyết tranh chấp minh bạch và hiệu quả. 

Đến nay, trên 60 quốc gia trên thế giới và 50 tỉnh thành tại Việt Nam có DN là các bên tranh chấp tại VIAC; thời gian trung bình giải quyết một vụ tranh chấp tại VIAC là 150 ngày; chỉ 1% phán quyết trọng tài bị hủy trong vòng 5 năm qua. Đặc biệt, trong năm 2018, VIAC đã thành lập Trung tâm Hòa giải Việt Nam (VMC) - trung tâm hòa giải đầu tiên tại Việt Nam - để cung cấp dịch vụ hòa giải thương mại theo Nghị định 22/2017/NĐ- CP của Chính phủ.

Ông Châu Việt Bắc - Phó Giám đốc phụ trách Chi nhánh VIAC TP. Hồ Chí Minh cũng cho rằng thời gian qua, VIAC đã phối hợp với báo chí để giúp DN hiểu rõ hơn về hoạt động của các tổ chức trọng tài để có thể hạn chế rủi ro của mình khi xảy ra tranh chấp trong hoạt động kinh doanh thương mại với các DN nước ngoài.

Về vấn đề sử dụng trọng tài để giải quyết tranh chấp, Luật Trọng tài thương mại 2010 có quy định vai trò hỗ trợ của tòa án đối với tố tụng trọng tài bao gồm: Chỉ định trọng tài viên vụ việc, xem xét và giải quyết khiếu nại quyết định của hội đồng trọng tài về thẩm quyền, thu thập chứng cứ, triệu tập người làm chứng, áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, đăng kí phán quyết trọng tài vụ việc, hủy phán quyết trọng tài... Đây cũng chính là các cơ sở pháp lý mà DN cần được thông tin để nắm rõ nhằm sử dụng hiệu quả cơ chế trọng tài khi có tranh chấp xảy ra.

Phú Cường.
Bài viết đóng góp, xin gửi về email: vnkinhtenews@gmail.com

Kinh tế News ©


Email: kinhtenews@gmail.com
Ghi rõ nguồn Kinhtenews khi phát hành lại những thông tin này!

Văn phòng Miền Bắc: Tòa nhà ACB, 10 Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm, Hà Nội
Văn Phòng Miền Nam: An Phú Plaza,117-119 Lý Chính Thắng, P.7, Q.3
ĐT:....- Fax: .....