Mỹ làm gì sau khi coi Trung Quốc là nước thao túng tiền tệ?

KINHTENEWS - Việc tuyên bố Trung Quốc "thao túng tiền tệ" trao cho Mỹ một số công cụ chưa từng sử dụng trong cuộc đối đầu thương mại.

Hôm qua (5/8), lần đầu tiên kể từ năm 1994, Mỹ đã xác định Trung Quốc là nước thao túng tiền tệ sau khi Ngân hàng Trung ương Trung Quốc(POBC) hạ giá đồng nhân dân tệ xuống mức thấp kỷ lục. 

Mark Sobel - cựu quan chức cấp cao Bộ Tài chính Mỹ cho biết rất khó đánh giá việc này sẽ thay đổi tình hình như thế nào, ngoài việc làm tăng căng thẳng thương mại và tiền tệ. "Các biện pháp chỉ có tác động rất nhẹ và IMF cũng đã đưa ra quan điểm của họ về đồng NDT", Sobel cho biết.

Tháng trước, IMF nhận định việc NDT giảm giá là phù hợp với tình hình kinh tế đang yếu đi tại Trung Quốc. Trong khi đó, đồng đôla Mỹ lại đang được định giá cao hơn 6-12%.

Theo Luật Tiền tệ Mỹ năm 1998, nếu một quốc gia được xác định là thao túng tiền tệ vì lợi ích thương mại, Bộ Tài chính Mỹ được yêu cầu đàm phán song phương với quốc gia đó hoặc làm việc thông qua IMF để khắc phục tình hình. Yêu cầu này nhằm xóa bỏ bất kỳ lợi thế không công bằng nào với Mỹ do tiền tệ mất giá. Nhưng thực tế, Mỹ và Trung Quốc đã đàm phán thương mại hơn 2 năm qua mà chưa đạt được kết quả đáng kể nào. 

Đồng nhân dân tệ đã xuống dưới mốc quan trọng 7 CNY đổi 1 USD. Ảnh: Reuters

Nếu không tìm ra giải pháp, Tổng thống Mỹ có thể áp dụng nhiều biện pháp trừng phạt, như cấm Tập đoàn Đầu tư Tư nhân Nước ngoài (OPIC) - một cơ quan thuộc chính phủ Mỹ - cấp vốn cho quốc gia đó, hoặc loại quốc gia này ra khỏi các hợp đồng mua bán của chính phủ.

Dù vậy, Trung Quốc không phải là nước nhận vốn từ OPIC hay có nhiều hợp đồng với chính phủ Mỹ. Trong chiến dịch tranh cử năm 2016, ông Trump từng cam kết sẽ tuyên bố Trung Quốc là nước thao túng tiền tệ trong ngày đầu nhậm chức. Nhưng 2 năm qua, Mnuchin vẫn từ chối làm việc này, vì thặng dư tài khoản vãng lai của Trung Quốc đang giảm và đồng nhân dân tệ nhìn chung ổn định sau đợt lao dốc năm 2015.

Kể cả vào giữa những năm 2000, khi nhân dân tệ được hầu hết cho là bị định giá quá thấp và thặng dư tài khoản vãng lai xấp xỉ 10% GDP, Mỹ cũng không có động thái này. Khi đó, Trung Quốc và chính quyền cựu Tổng thống George W. Bush đã tham gia đàm phán song phương về tiền tệ và nhiều vấn đề cải tổ kinh tế, thương mại khác. Sự kiện này có tên Đối thoại Kinh tế Chiến lược (SED). Nó sau đó được đổi tên và duy trì dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama. Dù vậy, SED thường xuyên bị ông Trump chế giễu là không hiệu quả. 

Năm 1988, Quốc hội Mỹ lần đầu ban hành một đạo luật đánh giá tiền tệ. Khi đó, gần như không có tổ chức quốc tế nào đóng vai trò giải quyết tranh chấp. Cùng năm đó, Bộ Tài chính Mỹ tuyên bố Đài Loan và Hàn Quốc thao túng tiền tệ. Năm 1994, đến lượt Trung Quốc bị đánh giá tương tự.

Một báo cáo của Văn phòng Giải trình Trách nhiệm Chính phủ Mỹ (GAO) cho thấy sau các cuộc đàm phán với Mỹ, cả ba quốc gia này đều thực hiện cải tổ lớn với cơ chế tỷ giá, và được gỡ bỏ mác thao túng tiền tệ. Trung Quốc hợp nhất cơ chế hai tỷ giá năm 1994 và từ đó vẫn neo nhân dân tệ vào đôla Mỹ.

Tú Anh - Hà Thu
Bài viết đóng góp, xin gửi về email: vnkinhtenews@gmail.com

Kinh tế News ©


Email: kinhtenews@gmail.com
Ghi rõ nguồn Kinhtenews khi phát hành lại những thông tin này!

Văn phòng Miền Bắc: Tòa nhà ACB, 10 Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm, Hà Nội
Văn Phòng Miền Nam: An Phú Plaza,117-119 Lý Chính Thắng, P.7, Q.3
ĐT:....- Fax: .....