Asanzo báo thiệt hại 1.000 tỷ đồng

KINHTENEWS - Chủ tịch HĐQT Asanzo Phạm Văn Tam cho biết công ty thiệt hại khoảng 1.000 tỷ đồng vì nghi án "giả xuất xứ".

Thông tin trên được chia sẻ tại cuộc họp báo do chính Công ty cổ phần tập đoàn Asanzo tổ chức ngày 17/9 tại Hà Nội. Ông Tam nói, trong khoảng 3 tháng qua, doanh nghiệp này tiếp hơn 100 cán bộ kiểm tra, thanh tra của các cơ quan, ban, ngành.

"89 ngày chờ đợi kết luận thanh tra, kiểm tra đã đưa những gì tôi gây dựng trong 20 năm về con số 0. Nhưng may mắn là chúng tôi vẫn trụ được đến hôm nay, và dù khó khăn, thiệt hại lớn như vậy nhưng chưa có cổ đông, ngân hàng nào công bố Asanzo nợ và đòi tiền", ông Tam chia sẻ.

Cách đây một tháng Asanzo tuyên bố tạm đóng cửa nhà máy, chờ kết luận của các cơ quan quản lý về vụ việc. Khi đó ông Tam cho biết, trong 70 ngày chờ kết luận thanh tra về nghi án "bán hàng Trung Quốc gắn mác Việt Nam", mỗi ngày Asanzo mất 1 tỷ đồng do hệ thống bán hàng tê liệt, nhưng vẫn phải trả lương cho người lao động. Khoản tiền này chưa gồm các chi phí phát sinh khác.

Từ 17/9, Asanzo sẽ vận hành trở lại 4 nhà máy cũng như khôi phục các hoạt động khác. 

Ông Phạm Văn Tam - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần tập đoàn Asanzo tại họp báo ngày 17/9. Ảnh: H.Thu

Cuộc họp báo này được tiến hành sau gần 90 ngày các cơ quan chức năng làm việc và xác minh nghi án "Asanzo bán hàng Trung Quốc gắn mác Việt" nhưng kết luận vẫn chưa được công bố. Tại đây, Asanzo tuyên bố mình được minh oan với ba nghi vấn, gồm giả xuất xứ hàng hoá, sai phạm về xuất nhập khẩu và lừa dối người tiêu dùng. Công ty đưa ra hai bản kết luận báo cáo của Tổng cục Quản lý thị trường và Cục Kiểm tra sau thông quan (Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính) về vụ việc. 

Về việc Asanzo dẫn báo cáo của cơ quan quản lý thị trường, ông Trần Hữu Linh - Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường cho biết, báo cáo này nhằm cung cấp thêm thông tin để xác minh các công ty liên quan tới Asanzo chứ "không phải kết luận và Tổng cục Quản lý thị trường cũng không thuộc thẩm quyền đưa ra kết luận vụ việc". 

Trả lời VnExpress, Bộ trưởng Tài chính kiêm Phó trưởng ban chỉ đạo 389 - ông Đinh Tiến Dũng cho biết hiện Thủ tướng chưa ký quyết định cuối cùng về kết luận vụ việc.

Theo văn bản truyền ý kiến của Thủ tướng hồi tháng 6, lãnh đạo Chính phủ giao Bộ Tài chính - cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan xác minh vụ việc.


Theo điều tra của báo Tuổi Trẻ TP HCM, Công ty cổ phần điện tử Asanzo đã nhập hàng loạt thiết bị điện tử xuất xứ Trung Quốc như nồi cơm điện, lò nướng, tivi, máy lạnh, loa... về bóc tem "made in China" và dán nhãn Việt Nam để bán ra thị trường.

Tháng 6/2018, Thủ tướng giao Bộ Tài chính - cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan khẩn trương kiểm tra, xác minh việc Asanzo nhập khẩu sản phẩm sản xuất tại nước khác gắn nhãn xuất xứ Việt Nam để bán ra thị trường Việt Nam. Kết luận này cần báo cáo Thủ tướng trước 30/7, nhưng sau đó đã được lùi lại tới 30/8 do "tính chất phức tạp của vụ việc". 

Ngày 30/8, Asanzo tuyên bố tạm đóng cửa nhà máy do tổn thất quá lớn trong thời gian chờ kết luận thanh tra nghi án "bán hàng Trung Quốc gắn mác Việt Nam"

Nguyễn Hoài - Nguyễn Hà
Bài viết đóng góp, xin gửi về email: vnkinhtenews@gmail.com

Kinh tế News ©


Email: kinhtenews@gmail.com
Ghi rõ nguồn Kinhtenews khi phát hành lại những thông tin này!

Văn phòng Miền Bắc: Tòa nhà ACB, 10 Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm, Hà Nội
Văn Phòng Miền Nam: An Phú Plaza,117-119 Lý Chính Thắng, P.7, Q.3
ĐT:....- Fax: .....