KINHTENEWS - Báo Le Monde (Pháp) nhận định tỉ phú Michael Bloomberg đã phá kỷ lục về chi quảng cáo trong một chiến dịch chính trị. Ông mạnh tay chi bạo nhưng thành công vẫn còn hạn chế.
Chỉ trong vài tuần tỉ phú Michael Bloomberg đã chi hơn 509 triệu USD cho quảng cáo chính trị - Ảnh: GETTY IMAGES
Đây là điều chưa từng xảy ra ở Mỹ. Trong cuộc chạy đua để được đề cử ứng cử viên tổng thống của Đảng Dân chủ, chỉ trong vài tuần tỉ phú Michael Bloomberg, cựu thị trưởng TP New York, đã chi hơn 509 triệu USD cho quảng cáo chính trị trên báo chí và mạng xã hội.
Khoản chi này thật ra chẳng nhiều nhõi gì so với khối tài sản khổng lồ 62 62 tỉ USD của ông (theo đánh giá của tạp chí Forbes). Thế nhưng giới chuyên gia nhận thấy hiệu quả đến lúc này là chưa ra sao. Thậm chí người xem còn nhớ nhiều hơn về những sai lầm của vị tỉ phú 78 tuổi giàu thứ 7 ở Mỹ.
Trong lần trả lời phỏng vấn mới đây về quyết định làm ứng viên tổng thống, tỉ phú Bloomberg giải thích rằng ông đã đóng góp tài chính rất nhiều cho các ứng viên bên Đảng Dân chủ trong các kỳ bầu cử hai viện.
Thế rồi có vẻ miệng nói nhanh hơn nghĩ nên ông thốt ra: ”Tôi đã mua hết các vị ấy..." rồi ông kịp sửa lại ngay là "Tôi đã ủng hộ các vị ấy".
Nhưng ở thời buổi công nghệ ghi âm ghi hình hiện đại này, sai sót ấy không thể bị bỏ qua.
Mỗi phút 30.000 người xem
Hiện thời tỉ phú Michael Bloomberg là người mua quảng cáo chính trị nhiều nhất trên Google với số tiền 41 triệu USD trong vài tháng so với 12 triệu USD chi ủng hộ Donald Trump trong hơn một năm.
Trên Facebook, Bloomberg đã chi gần 10 triệu USD quảng cáo trong tuần qua và hơn 53 triệu USD kể từ đầu chiến dịch tranh cử.
Quảng cáo không chỉ tấn công Tổng thống Donald Trump mà còn nhắm đến các đối thủ cạnh tranh đề cử trong Đảng Dân chủ của ông mà đầu tiên là ứng viên Bernie Sanders đang dẫn đầu cuộc đua đề cử.
Theo tính toán của báo chí Mỹ, cứ mỗi phút có bình quân 30.000 người dùng Internet ở Mỹ xem quảng cáo cho chiến dịch tranh cử của Bloomberg.
Tỉ phú Michael Bloomberg tiếp xúc cử tri ở Salt Lake (bang Utah) ngày 20-2 - Ảnh: AP
Đầu tư bằng tiền túi
Tiền chi quảng cáo rất lớn sẽ thu hút sự chú ý của giới truyền thông Mỹ bởi lẽ theo truyền thống, các khoản chi quảng cáo của ứng cử viên là một trong những chỉ số đánh giá trong chiến dịch bầu cử Mỹ.
Tuy nhiên, trường hợp của tỉ phú Michael Bloomberg đặc biệt theo nhiều cách.
Thứ nhất, không giống các ứng cử viên khác, tiền đầu tư quảng cáo của ông là tiền túi riêng trong khi các đối thủ của ông phụ thuộc vào tiền đóng góp từ các cá nhân hoặc doanh nghiệp. Do đó, chi phí quảng cáo của Bloomberg không phản ánh mức độ ủng hộ của cử tri.
Thứ hai, chi phí quảng cáo của Bloomberg phản ánh một chiến lược tranh cử đặc biệt là tập trung đặt cược vào "siêu thứ ba", tức ngày thứ ba (3-3 tới) là ngày 15 bang bỏ phiếu chọn người đề cử của Đảng Dân chủ, trong đó có bang California rất đông dân.
Cựu thị trưởng New York "rải thảm" tiền quảng cáo với hi vọng sẽ chiến thắng trong giai đoạn then chốt này.
Sáu ứng viên Đảng Dân chủ tham gia tranh luận hôm 19-2 ở Las Vegas (bang Nevada) - Ảnh: REUTERS
Chiến lược có hiệu quả không?
Nhiều nghiên cứu ở Mỹ về tính hiệu quả của quảng cáo chính trị cho thấy quảng cáo có thể giữ vai trò trong bầu cử nhưng quảng cáo không phải là "thuốc tiên".
Quảng cáo có thể giúp lôi kéo những người ủng hộ và thuyết phục những người còn do dự chưa quyết định nhưng hiếm khi có thể làm thay đổi ý kiến của một cử tri đã chọn lựa ứng cử viên tổng thống.
Trong cuộc tranh luận hôm 19-2 ở Las Vegas (bang Nevada) của sáu ứng viên Đảng Dân chủ, tỉ phú Michael Bloomberg đã bị các đối thủ hành "lên bờ xuống ruộng" khi họ nhắc đến thành tích ba nhiệm kỳ làm thị trưởng New York của ông.
Kết quả thăm dò ý kiến sau tranh luận cho thấy chỉ có 17% cử tri Đảng Dân chủ đánh giá Bloomberg là lựa chọn hàng đầu so với 30% dành cho Bernie Sanders. Tỉ lệ cử tri Đảng Dân chủ "có nhận xét xấu" về Bloomberg tăng từ 25% lên 35% chỉ trong vài ngày.
Báo chí Mỹ ghi nhận ông Bloomberg đã thua trong cuộc tỉ thí tranh luận ở Las Vegas - Ảnh: NYP
Một ví dụ khác về tiền đầu tư tranh cử "chi nhiều nhưng được chẳng bao nhiêu" là tỉ phú Tom Steyer.
Chỉ có khoảng 2% cử tri có ý định bỏ phiếu cho Tom Steyer trong khi ông này đã chi đậm cho quảng cáo trực tuyến. Tom Steyer đã chi hơn 7 triệu USD cho quảng cáo trên Google, tức bằng số tiền chi quảng cáo của hai ứng viên Bernie Sanders và Elizabeth Warren gộp lại.
Những thông điệp gây nhầm lẫn
Tỉ phú Michael Bloomberg còn mất điểm về phương pháp tranh cử và thông điệp ông quảng bá. Nhiều bài viết đăng trên tài khoản chiến dịch tranh cử của ông đã bị chỉ trích năng nề.
Ví dụ trong một đoạn trích video cuộc tranh luận, nhạc nền đã được sửa đổi đôi chút để tạo ấn tượng rằng các đối thủ của Bloomberg ngắc ngứ trước nhận xét của ông.
Điều này đã đi quá giới hạn về tính hợp pháp và các quy tắc sử dụng mạng xã hội. Facebook cho đăng quảng cáo nhưng Twitter cho biết video này sẽ vi phạm các quy tắc mới dự kiến sẽ được áp dụng vào tháng tới.
Nhiều thông điệp có trả phí của những người có ảnh hưởng nói tốt về ông Bloomberg vẫn được chấp nhận đăng trên Instagram và Facebook.
Bloomberg còn thuê đăng tin ủng hộ ông hằng ngày trên mạng xã hội và đôi khi nhắn tin theo kiểu phối hợp thông qua ứng dụng chuyên dụng. Cuối tháng 2 Twitter đã xóa 70 tài khoản như vậy vì mang tiếng là "thao túng thông tin".
P.V
Bài viết đóng góp, xin gửi về email:
vnkinhtenews@gmail.com