KINHTENEWS - Từ 1/4, giá heo hơi đã về 70.000 đồng một kg nhưng khâu trung gian chiếm gần 40% nên giá thịt thành phẩm vẫn neo cao.
Loạt doanh nghiệp chăn nuôi lớn như CP Việt Nam, Mavin, Dabaco... đã thông báo giảm giá thịt heo hơi tại trại về 70.000 đồng một kg từ ngày 1/4 như cam kết cách đây hai ngày.
Sau động thái này giá heo hơi bán ra tại các tỉnh phía Bắc giảm nhẹ 2.000 đồng một kg, xuống 80.000-82.000 đồng. Còn giá heo hơi tại miền Trung khoảng 73.000-80.000 đồng một kg. Tại Lâm Đồng và Đắk Lắk giữ giá lần lượt là 77.000 đồng và 73.000 đồng một kg.
Ông Lê Văn Tiển, Phó giám đốc chợ đầu mối Hóc Môn (TP HCM), cho biết giá heo hơi về chợ này đã giảm hơn 5.000 đồng một kg xuống quanh mức 70.000 đồng. Lượng heo về chợ này khoảng 3.700 con.
Giá thịt hơi giảm, nhưng giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng tại các chợ truyền thống, siêu thị lại đứng yên.
Sáng 2/4, chợ Hà Đông (Hà Nội) thưa vắng người mua hơn thường ngày sau lệnh cách ly toàn xã hội được áp dụng cách đó một ngày. Hôm nay bà Hằng chỉ lấy bằng 70% lượng hàng thường ngày do hôm qua "bán chậm tới chiều mới hết".
"Sáng nay lấy thịt mảnh vẫn giá 102.000 đồng một kg, chưa thấy giảm", bà cho biết. Hàng lấy vào vẫn cao, buộc người bán chưa thể giảm giá khi tới tay người tiêu dùng. Mỗi kg thăn heo vẫn ở mức 150.000 - 160.000 đồng; sườn thăn 140.000 - 150.000 đồng; nạc vai 150.000 đồng; mông sấn 140.000 đồng...
Một quầy thịt heo tại chợ Hà Đông (Hà Nội) sáng 2/4. Ảnh: Anh Minh
Giá thịt heo tại hệ thống siêu thị cũng chưa hạ. Ở Coopmart Hà Đông, thịt ba rọi CP ở mức 176.000 đồng một kg; sườn heo 203.000 đồng; thịt nạc dăm 177.000 đồng... Còn mỗi kg sườn thăn của Meat Deli là 252.000 đồng, thịt heo xay 150.000 đồng...
Khâu trung gian chiếm nhiều chi phí, gần 40% giá thành thịt, được các chuyên gia nhận định là nguyên nhân khiến việc đưa lợn hơi từ cổng trại ra thị trường tốn nhiều khoản phí.
Mặt khác cung - cầu chưa gặp nhau cũng khiến giá thịt bán lẻ chưa thể giảm nhanh. Theo Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, việc tái đàn heo tại các địa phương, doanh nghiệp chăn nuôi lớn đang đẩy nhanh. Dự kiến, đến cuối quý II, đầu quý III khi nguồn cung từ chăn nuôi đáp ứng được 90% nhu cầu thịt, giá sẽ giảm nhiệt đáng kể. Bộ này cũng cho biết, cung thịt sẽ đáp ứng đủ nhu cầu như trước khi bùng phát dịch tả heo châu Phi (tháng 12/2018) vào quý IV năm nay, với sản lượng cung ứng gần 1,1 triệu tấn thịt.
Ngoài yêu cầu doanh nghiệp chăn nuôi lớn giảm giá bán, tăng đàn, tái đàn, nhà chức trách cũng cho phép tăng nhập khẩu thịt heo. Đến cuối tháng 3, lượng thịt nhập khẩu đạt gần 39.200 tấn, tăng 312% so với cùng kỳ 2019. Trong đó, thịt nhập từ Canada chiếm gần 26%, Đức 21%, Ba Lan 14%, Brazil 10%...
TTGĐ.
Bài viết đóng góp, xin gửi về email:
vnkinhtenews@gmail.com