KINHTENEWS - Vinamilk mua lại các công ty lâu đời nhưng hoạt động không hiệu quả, tái cấu trúc toàn diện giúp tăng doanh thu, lợi nhuận gấp nhiều lần.
Năm 2019, vụ hợp nhất GTNFoods đưa Mộc Châu Milk về chung nhà với Vinamilk được bình chọn vào top 10 vụ mua bán sáp nhập (M&A) của năm. Từ nhiều năm trước, công ty này đã thực hiện nhiều vụ M&A và đều gặt hái hiệu quả tốt trong sản xuất kinh doanh. Thế mạnh quản trị, tài chính và công nghệ được xem là những yếu tố giúp Vinamilk cải tổ thành công nhiều công ty mới gia nhập hệ thống. Sau tái cấu trúc và thay đổi toàn diện chiến lược phát triển, các doanh nghiệp này đều ghi nhận kết quả tích cực.
Cụ thể năm 2013, Vinamilk chi 10 triệu USD mua lại Driftwood, nhà máy sữa tại Mỹ. Nhà máy thành lập năm 1920 và là nhà cung cấp sữa cho hệ thống trường học Nam California hơn 50 năm qua. Đến năm 2016, công ty sữa của Việt Nam chính thức sở hữu 100% cổ phần nhà máy này. Sau khi Vinamilk tham gia, tình hình sản xuất, kinh doanh của nhà máy chuyển biến rõ nét, ghi nhận doanh thu nhiều năm đều hơn 100 triệu USD. Năm 2019, tập đoàn tăng gấp đôi vốn đầu tư lên 20 triệu USD, giúp Driftwood đạt doanh thu 114 triệu USD cùng năm.
Nhà máy Driftwood có lịch sử hoạt động 100 năm tại Mỹ.
Có cùng "công thức" M&A, Vinamilk tiếp quản và tham gia điều hành Vietsugar vào cuối năm 2017. Từ khi tham gia nắm giữ 65% cổ phần của Vietsugar, Vinamilk đã chuyển đổi mô hình quản trị công ty từ quản lý tập trung theo định hướng cá nhân sang quản trị công ty theo các nguyên tắc quản trị chuyên nghiệp. Đồng thời đưa vào vận hành hệ thống phần mềm quản lý doanh nghiệp ERP nhằm quản lý và kiểm soát công tác kế toán tài chính, quản lý hàng tồn kho, quản lý sản xuất...
Vietsugar cũng hoàn thiện các quy trình quản lý tài chính mà Vinamilk đã áp dụng thành công nhiều năm qua, gồm quản lý tiền, quản lý hàng tồn kho, quản lý công nợ phải thu, phải trả... Công ty mẹ cũng hỗ trợ xử lý các vấn đề trước đây của Vietsugar như khói thải, xả thải gây ô nhiễm môi trường đối với dân cư trong địa bàn, đưa Vietsugar đi vào hoạt động bình thường và không để xảy ra các sự cố tương tự như trước đây.
Nhờ đó, doanh thu Vietsugar tăng gấp ba lần, lợi nhuận từ con số âm đã có lãi và lợi nhuận 2019 tăng hơn 200% so với 2018. Công ty này cũng giúp Vinamilk dần hoàn thiện chuỗi cung ứng và chủ động nguồn nguyên liệu.
Đại diện Vinamilk và Vietsugar tại lễ công bố Công ty CP Đường Việt Nam.
Bên cạnh đó, hiệu quả từ sự tham gia điều hành của Vinamilk còn thể hiện trên khía cạnh an sinh xã hội. Tại Vietsugar, doanh nghiệp sau tái cấu trúc đã giúp ổn định công ăn việc làm cho cán bộ, nhân viên nhà máy. Trong hai năm qua, đời sống nhân viên công ty này được cải thiện, thu nhập bình quân của người lao động từ khi Vinamilk quản lý tăng 30%. Người lao động còn được mua bảo hiểm sức khỏe, tai nạn hàng năm. Công ty này cũng chấm dứt tình trạng nợ lương kéo dài.
Cùng với đó, hoạt động sản xuất ổn định giúp nông dân có nguồn thu nhập ổn định, yên tâm công tác cùng nhiều chương trình hỗ trợ khác như: đầu tư tài chính cho nông dân trồng mía tính theo hecta, hỗ trợ bã bùn miễn phí, hỗ trợ giá mía, giống mía trong tỉnh Khánh Hòa. Đồng thời giải ngân linh hoạt và nhanh chóng giúp cho bà con nông dân có điều kiện tài chính chăm sóc mía kịp thời.
Nhà máy Vietsugar đầu tư hệ thống máy móc và công nghệ từ châu Âu và Mỹ. Thành phẩm có thể được truy xuất chính xác thông tin về thời điểm và lô sản xuất.
Trong vụ mía 2019-2020, Vietsugar đã cam kết giá mua mía tối thiểu, chưa bao gồm vận chuyển và bốc xếp, hỗ trợ thêm theo từng vùng để nông dân có lãi và yên tâm sống nhờ cây mía. Nông dân trồng mía được bao tiêu đầu ra 100%. Doanh nghiệp này phát triển thu mua bao tiêu mía cho bà con trồng mía không chỉ tại Khánh Hòa, mà còn tại các huyện Marak tỉnh Daklak, huyện Sông Hinh tỉnh Phú Yên...
Đặc biệt đối với VSG, Vinamilk còn áp dụng kinh nghiệm hợp tác với nông dân từ quá trình chăn nuôi bò sữa, từ đó xây dựng vùng nguyên liệu mía đường chất lượng, chính sách tam nông, phát triển bền vững. Điều này giúp bà con nông dân có nguồn thu nhập ổn định, yên tâm canh tác.
Đối với vụ sáp nhập mới nhất với Công ty CP GTNfoods (GTN), sau khi Vinamilk tham gia điều hành, doanh nghiệp này cũng ghi nhận kết quả tích cực. Sau khi hoàn tất mua 75% vốn tại GTNfoods, đơn vị đã cơ cấu xong nhân sự, tổ chức cuộc họp đại hội cổ đông thường niên thông qua các vấn đề quan trọng tại thành viên mới này.
Trong quý I/2020, GTN đã ghi nhận doanh thu thuần 632 tỷ đồng, tăng trưởng 1,6% so với cùng kỳ 2019 và đóng góp đáng kể vào mức tăng trưởng 7,9% của toàn tập đoàn. Trong nhiều năm nay, biên lợi nhuận gộp của GTNfoods khoảng 15%.
Quý đầu tiên "chung nhà" Vinamilk, biên lợi nhuận gộp của doanh nghiệp sở hữu thương hiệu Mộc Châu Milk đã cải thiện đáng kể lên 26,3% - kết quả cao nhất từ trước đến nay, cho thấy sự hiệu quả của Vinamilk trong quá trình tiếp quản và cải thiện hoạt động kinh doanh tại đơn vị này. Lợi nhuận sau thuế của GTN trong quý I đạt 40 tỷ đồng, cao gấp 2,3 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Công ty con của GTN là Vilico cũng báo lãi quý I tăng 30%. Tăng trưởng lợi nhuận chủ yếu đến từ công ty con - Mộc Châu Milk, với việc tái cấu trúc hệ thống phân phối, tối ưu bán hàng và giảm chi phí hoạt động.
Hiện tại, quy mô đàn bò do Vinamilk và Mộc Châu Milk (đơn vị thành viên của Vinamilk) quản lý và khai thác sữa đạt hơn 150.000 con, với tổng sản lượng sữa tươi nguyên liệu đạt xấp xỉ 1.200 tấn một ngày.
Đại diện Vinamilk cho biết, M&A là chiến lược chủ chốt để đưa doanh nghiệp vào top 30 công ty sữa lớn nhất thế giới về doanh thu. Kế hoạch phát triển trong 5 năm 2017- 2021 của công ty này cho thấy, Vinamilk sẽ tăng cường đầu tư vào các thị trường đang phát triển và mới nổi, xây dựng các công ty con thành công thông qua M&A và hợp tác.
Nam Anh
Bài viết đóng góp, xin gửi về email:
vnkinhtenews@gmail.com