KINHTENEWS - Tháng 4, sản xuất của Trung Quốc đã giảm xuống mức thấp nhất hai năm do các nhà máy phải đóng cửa và các đợt dịch phong toả kéo dài.
Bloomberg dẫn số liệu của Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc công bố hôm 29/4, cho thấy chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) lĩnh vực sản xuất tháng 4 đã giảm xuống 47,4 điểm từ mức 49,5 của tháng 3.
Các khảo sát của trước đó của Bloomberg với các nhà phân tích cũng cho thấy mức điểm trung bình PMI của Trung Quốc trong tháng tư là 47,3. Chỉ số này dưới mốc 50 cho thấy sản lượng sản xuất sụt giảm, thu hẹp.
Các đợt phong toả diện rộng vì chính sách "zero Covid" tại nhiều thành phố lớn buộc các nhà máy nước này phải đóng cửa hoặc chỉ duy trì sản xuất được một phần, cộng với lo ngại chuỗi cung ứng toàn cầu tiếp tục gián đoạn, giá cả leo thang... là những nguyên nhân khiến sản xuất của Trung Quốc giảm manh.
Không riêng nhóm ngành sản xuất, chỉ số PMI phi sản xuất (ghi nhận trong lĩnh vực xây dựng, dịch vụ) cũng chạm mức thấp nhất từ tháng 2/2020, khi giảm xuống 41,9 điểm (tháng 3 là 48,4). Con số này cũng thấp hơn nhiều so với dự báo từ khảo sát của Bloomberg với các nhà phân tích là 46.
Một công nhân đạp xe trên con đường gần như không bóng người khi Thượng Hải áp lệnh phong toả vì Covid-19, tháng 5/2022. Ảnh: Bloomberg
Zhao Qinghe, nhà thống kê cấp cao của NBS, cho biết có tới 19 trong 21 lĩnh vực dịch vụ của Trung Quốc ghi nhận mức sụt giảm do ảnh hưởng nặng nề từ các đợt bùng phát dịch bệnh.
Bắc Kinh đang chịu áp lực ngày càng tăng trong việc thúc đẩy tăng trưởng khi Covid bùng phát và các hạn chế ở nhiều thành phố làm tê liệt phần lớn nền kinh tế của nước này.
Để duy trì hoạt động trước lệnh phong toả, nhiều nhà máy ở Trung Quốc cố gắng hoạt động theo mô hình "bong bóng khép kín". Tức là cho công nhân ăn, ngủ và làm việc ngay tại chỗ, khử trùng, xét nghiệm Covid-19 hàng ngày. Tuy nhiên, việc sinh hoạt và làm việc của lao động trong một mô hình khép kín là điều không hề dễ dàng. Sản xuất vẫn bị cản trở bởi những hạn chế di chuyển.
Ngoài ra, chuỗi cung ứng tắc nghẽn, việc di chuyển của lao động, hàng hoá trong nước và qua biên giới khó khăn... đã gây ra tình trạng thiếu phụ tùng, nguyên liệu sản xuất.
Theo kết quả cuộc họp Bộ Chính trị Trung Quốc ngày 29/4, các nhà lãnh đạo cao nhất nước này cho hay sẽ kiên trì chiến lược "zero Covid-19" linh hoạt và khẳng định đây là biện pháp bảo vệ tính mạng, sức khỏe của người dân cũng như giảm thiểu tác động của dịch bệnh với phát triển kinh tế và xã hội.
Một số nhà kinh tế nhận xét chiến lược "zero Covid" là rủi ro lớn nhất với tăng trưởng của Trung Quốc năm nay. Họ cho rằng nước này sẽ cần thêm các biện pháp kích thích và một số nới lỏng hạn chế tài sản nếu muốn đạt mục tiêu tăng trưởng 5,5% trong năm nay.
Cuộc họp của Bộ Chính trị Trung Quốc hôm thứ Sáu cũng thống nhất nước này sẽ có các gói chính sách hỗ trợ các ngành công nghiệp và các doanh nghiệp nhỏ bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Trung Quốc cũng sẽ đẩy nhanh việc xây dựng cơ sở hạ tầng và ổn định giao thông, hậu cần và chuỗi cung ứng, mở rộng nhu cầu của thị trường trong nước.
Một trong số biện pháp đang được nhắc tới, là khả năng Trung Quốc sẽ nới lỏng với các đại gia công nghệ và trao cho họ vai trò lớn hơn trong thúc đẩy nền kinh tế đang chậm lại.
Động thái này được cho là tín hiệu mạnh mẽ từ trung ương kể từ khi Bắc Kinh siết hoạt động của các đại gia công nghệ nhằm kiềm chế "sự bành trướng phi lý về vốn" vào cuối năm 2020.
Anh Minh
Bài viết đóng góp, xin gửi về email:
vnkinhtenews@gmail.com