KINHTENEWS - Đức, Italy, Thụy Sĩ, Đan Mạch và một số nước khác bắt đầu kích hoạt cảnh báo sớm trong lộ trình ứng phó khủng hoảng khí đốt.
Cơ quan quản lý khí đốt Bundesnetzagentur của Đức vừa phác thảo chi tiết về hệ thống đấu giá mới sẽ bắt đầu áp dụng trong những tuần tới, nhằm khuyến khích các nhà sản xuất tiêu thụ ít khí đốt hơn. Người đứng đầu Bundesnetzagentur cũng tỏ ra ngờ vực về khả năng tình hình cung cấp khí đốt hiện tại giúp đất nước vượt qua mùa đông.
"Chúng ta đang có vấn đề", Chủ tịch Bundesnetzagentur Klaus Mueller nhận định. Trước đó, ông nói rằng còn quá sớm để tuyên bố tình trạng khẩn cấp toàn bộ.
Các van trên đường ống khí đốt thuộc tuyến Nord Stream 1 ở Lubmin, Đức, ngày 8/3. Ảnh: Reuters
Cũng trong hôm 21/6, chính phủ Italy công bố các biện pháp ban đầu để tăng cường dự trữ khí đốt, sau khi công ty năng lượng Eni báo cáo dòng chảy từ Nga bị thiếu hụt trong hơn một tuần. Bộ trưởng Bộ Chuyển đổi Sinh thái Roberto Cingolani cho biết chính phủ có kế hoạch mua than nếu cần sử dụng các nhà máy nhiệt điện nhằm tiết kiệm khí đốt.
Ngay cả nước tiêu thụ nhỏ như Thụy Điển cũng đã khởi động giai đoạn đầu của kế hoạch chống khủng hoảng năng lượng. Cơ quan năng lượng nhà nước Thụy Điển cho biết nguồn cung vẫn dồi dào. Tuy nhiên, họ báo hiệu cho các công ty trong ngành và khách hàng tiêu thụ khí đốt có kết nối với mạng lưới phía tây Thụy Điển rằng thị trường đang căng thẳng và tình hình cung cấp có thể xấu đi.
Đan Mạch kích hoạt giai đoạn đầu tiên của kế hoạch khẩn cấp vào thứ hai (20/6). Các quốc gia khác, như Áo, Hà Lan, cũng có động thái tương tự. Châu Âu đang tìm kiếm thêm nguồn cung qua đường ống từ các nhà sản xuất như Na Uy và Azerbaijan, nhưng hầu hết đã không còn khả năng mở rộng công suất.
EU phụ thuộc vào Nga tới 40% nhu cầu khí đốt trước chiến sự, riêng Đức phụ thuộc 55%. Khí đốt của Nga vẫn được bơm đến châu Âu nhưng tốc độ đã giảm đi. Đường ống Nord Stream 1 - tuyến cung cấp quan trọng cho Đức - chỉ đang hoạt động với 40% công suất.
Hiệp hội ngành công nghiệp BDI của Đức hôm 21/6 giảm dự báo tăng trưởng năm 2022 của nước này xuống còn 1,5%; từ mức 3,5% đưa ra trước khủng hoảng Ukraine. Hiệp hội đồng thời cho biết nếu Nga ngừng cung cấp khí đốt hoàn toàn, nền kinh tế lớn nhất châu Âu suy thoái là không thể tránh khỏi.
Giá khí đốt ở châu Âu đang giao dịch quanh mức 126 euro (133 USD) mỗi MWh, thấp hơn mức đỉnh năm nay là 335 euro. nhưng tăng hơn 300% so với cùng kỳ 2021. Giá khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) ở châu Âu tăng thu hút sự chú ý của các nhà cung cấp. Tuy nhiên, nơi đây thiếu cơ sở hạ tầng để tiếp nhận bổ sung LNG. Gần đây, sự gián đoạn nguồn cung từ một nhà sản xuất LNG lớn của Mỹ càng làm tình hình khó khăn hơn.
Giám đốc điều hành công ty điện lực lớn nhất Đức RWE Markus Krebber cho biết châu Âu có rất ít thời gian để lên kế hoạch. "Chúng ta sẽ phân phối lại khí đốt như thế nào nếu bị cắt hoàn toàn? Hiện tại không có kế hoạch ở cấp độ châu Âu vì mọi quốc gia đang xem xét kế hoạch khẩn cấp của riêng họ", ông nói.
Phiên An
Bài viết đóng góp, xin gửi về email:
vnkinhtenews@gmail.com