KINHTENEWS - Xung đột, lạm phát và căng thẳng Mỹ - Trung đang chia rẽ các nền kinh tế lớn, gây khó khăn cho việc phối hợp ứng phó suy thoái.
Hôm nay, Hội nghị cấp cao thường niên của nhóm G20 khai mạc tại Bali (Indonesia) trong bối cảnh bóng ma suy thoái bao trùm kinh tế toàn cầu. Do vậy, việc khôi phục tốc độ tăng trưởng gần như là ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự.
Hiện châu Âu trên bờ vực suy thoái khi Nga cắt giảm nguồn cung năng lượng để trả đũa các biện pháp trừng phạt của phương Tây. Lạm phát đang siết chặt túi tiền người tiêu dùng và doanh nghiệp trên khắp thế giới, gây áp lực lên các nước nghèo hơn thông qua chi phí nhập khẩu thực phẩm và năng lượng tăng.
Để đối phó, các ngân hàng trung ương dẫn đầu bởi Cục dự trữ Liên bang Mỹ - Fed ráo riết tăng lãi suất, khiến tăng trưởng bị đe dọa và các thị trường mới nổi chật vật với nợ công. Mỹ và các đồng minh đang tìm cách hạn chế giá dầu của Nga. Trong khi đó Arab Saudi dẫn đầu OPEC+ trong việc cắt giảm sản lượng, có nguy cơ đẩy giá năng lượng lên cao.
Mỹ và Trung Quốc - hai nền kinh tế lớn nhất thế giới - đang bất hòa về thương mại, công nghệ đến địa chính trị. Wall Street Journal đánh giá những căng thẳng như vậy có nghĩa tại hội nghị thượng đỉnh G20 tuần này, kỳ vọng về phản ứng phối hợp kinh tế để đối phó với thách thức thế giới đang đối mặt có thể bằng không.
Phiên họp các trưởng đoàn chuẩn bị cho G20 tại Jakarta, Indonesia, ngày 18/2/2022. Ảnh: Reuters
Trong quá khứ, G20 từng phản ứng mạnh mẽ với suy thoái kinh tế. Hội nghị này ra đời theo lời mời của Tổng thống George W. Bush vào năm 2008, nhằm điều phối phản ứng toàn cầu đối với cuộc khủng hoảng tài chính.
Sau cuộc họp thứ hai tại London vào tháng 4/2009, G20 đồng ý cùng chi 5.000 tỷ USD để thúc đẩy nhu cầu toàn cầu; cấp thêm 1.100 tỷ USD cho IMF và thắt chặt các quy định tài chính. Năm tháng sau đó, G20 họp lần thứ ba trong vòng chưa đầy một năm, Tổng thống Barack Obama và những người đồng cấp đã tuyên bố G20 là "diễn đàn hàng đầu cho hợp tác kinh tế quốc tế".
Nhưng năm nay thì khác. "G20 hiện không giống như năm 2008, 2009. Chúng ta đang đánh mất ý thức về mục đích chung đó", Matthew Goodman, Phó chủ tịch cấp cao về kinh tế Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (Washington), nhận xét.
Sri Mulyani Indrawati, Bộ trưởng Tài chính Indonesia - nước chủ nhà G20 - cho rằng môi trường hiện tại trái ngược với giai đoạn đó. G20 lần này được dự báo khó đạt được một tuyên bố chung theo thông lệ khi kết thúc hội nghị. Thay vào đó, Indonesia có thể đưa ra "bản tóm tắt" của riêng mình, ghi nhận nhiều sự chia rẽ giữa các thành viên.
"Tôi đã tận mắt chứng kiến G20 vào thời điểm đó thực sự xây dựng chính sách như thế nào, khi tất cả nhà lãnh đạo đều ngồi chung một con thuyền, cùng mối quan tâm với cùng một kẻ thù", bà Sri Mulyani Indrawati kể về việc nhóm hợp tác ứng phó sau cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2009. "Lần này, họ là kẻ thù của nhau", bà nhận xét.
Theo dự báo của IMF, kinh tế toàn cầu sẽ chỉ tăng trưởng 2,7% vào năm 2023, với 31 trong số 72 nền kinh tế dự kiến ghi nhận sản lượng giảm hai quý liên tiếp vào một thời điểm nào đó trong năm nay và năm tới - một định nghĩa tiêu chuẩn của một cuộc suy thoái kỹ thuật.
Các nhà kinh tế được Wall Street Journal khảo sát cho rằng xác suất suy thoái trong 12 tháng tới ở Mỹ là 63%, tăng từ 49% trong cuộc khảo sát hồi tháng 7. Nhiều chuyên gia cũng dự đoán suy thoái ở EU và Anh trong những tháng tới.
IMF dự kiến GDP của Đức và Italy giảm vào năm 2023, trong khi toàn bộ khu vực châu Âu chỉ tăng 0,5%. "Điều tồi tệ nhất vẫn chưa đến và đối với nhiều nước, năm 2023 sẽ giống như một cuộc suy thoái", IMF nhận định tháng trước.
Vậy đâu là những lý do chính khiến các chuyên gia và giới chức bi quan về khả năng giải quyết các thách thức kinh tế hiện tại và nguy cơ suy thoái tương lai?
Đầu tiên là do sự bất đồng. Năm 2009, Mỹ, Trung Quốc và Nga đã hợp tác ngăn chặn cuộc khủng hoảng tài chính. Trong hồi ký, Obama viết rằng "có lẽ tin tốt nhất" mà ông nhận được tại hội nghị thượng đỉnh ở London là cam kết của Trung Quốc đối với một gói kích thích kinh tế lớn.
Năm nay, không có triển vọng cho một nỗ lực chung tương tự khi Mỹ và Trung Quốc lạnh nhạt. Trong khi đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin cử Ngoại trưởng Sergei Lavrov tham dự thay. Về phần mình, các quan chức EU hạ thấp kỳ vọng G20 vì không đạt được điều kiện ngoại giao tối thiểu là khó có khả năng ra được một tuyên bố chung.
"Trong khi chúng ta nhìn vào bức tranh ảm đạm này, điều đáng lo ngại hơn nữa là xu hướng gia tăng sự phân mảnh vào thời điểm chúng ta cần nhau nhất. Tôi rất lo ngại rằng, chúng ta có thể bị mộng du trong một thế giới sẽ nghèo hơn và kém an toàn hơn", Kristalina Georgieva, Giám đốc IMF, nhận định.
Thứ hai là về bản chất. Theo bà Kristalina Georgieva, G20 đang gặp khó vì những căn bệnh của nền kinh tế toàn cầu bắt nguồn từ cuộc chiến ở Ukraine, chứ không phải do các vấn đề tài chính khiến thế giới rơi vào suy thoái năm 2009.
"Bạn không thể giải quyết vấn đề địa chính trị bằng các biện pháp chính sách kinh tế. Sẽ rất khó để đưa mức độ hợp tác kinh tế đến mức cần thiết. Chấm dứt xung đột ở Ukraine là yếu tố mạnh mẽ nhất để xoay chuyển nền kinh tế thế giới", bà nói.
Thứ ba là về hiện trạng sức khỏe kinh tế giữa các nước cũng rất khác nhau. Sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, các quốc gia có thể liên kết với nhau và thấy rằng cần kích thích tài chính để cố gắng tạo việc làm, tránh thiệt hại kéo dài. "Nhưng giờ đây, các nước có dư địa tài khóa khác nhau, áp lực lạm phát khác nhau", Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen, nói.
Ngoài ra, các vấn đề không chỉ xuất phát từ thách thức toàn cầu. Nền kinh tế Trung Quốc có tín hiệu giảm tốc do chính sách chống dịch cứng rắn và bất động sản suy thoái. Mỹ và châu Âu cũng đang chậm lại, khiến nền kinh tế toàn cầu không còn đầu tàu tăng trưởng rõ ràng - một vai trò mà Trung Quốc gánh vác trong quá khứ khi phương Tây khó khăn.
Gabriel Sterne, Trưởng bộ phận nghiên cứu các thị trường mới nổi tại Oxford Economics ở London, cho biết Trung Quốc từng là "phương án giảm sốc sau cùng" cho kinh tế thế giới. Nhưng giờ đây dường như cũng không thể.
Ông Gabriel Sterne cho rằng một điều mà G20 còn có thể làm được lúc này là gây áp lực lên các bên cho vay để giảm bớt gánh nặng nợ nần cho các nước đi vay. Các nhà kinh tế khác đề xuất các lãnh đạo xem xét giảm thuế và các biện pháp khác để khuyến khích khu vực tư nhân tham gia xử lý nợ và thúc đẩy người đi vay công khai toàn bộ các khoản nợ để củng cố lòng tin thị trường.
Một số nhà kinh tế cho rằng suy thoái toàn cầu có thể chỉ tồn tại trong thời gian ngắn, đặc biệt nếu Fed có thể đưa lạm phát ở Mỹ trở lại mục tiêu với một tổn thất khiêm tốn về việc làm và tăng trưởng. Hoặc nếu Trung Quốc dỡ bỏ thay đổi chiến lược chống dịch để kinh tế nước này tăng tốc. Và điểm tích cực là so với trước cuộc khủng hoảng 2008-2009, tình hình tài chính của các hộ gia đình, doanh nghiệp và ngân hàng đang tốt hơn.
Nhà Trắng lạc quan rằng G20, nhóm có các thành viên chiếm hơn 80% sản lượng kinh tế toàn cầu, vẫn có tác động. "Tổng thống tin tưởng vào tầm quan trọng liên tục của G20", một quan chức cấp cao giấu tên được Washington Post trích dẫn.
G20 cùng với G7 (bao gồm các nước Mỹ, Pháp, Đức, Italy, Canada, Nhật Bản và Anh) là tổ chức quốc tế quan trọng để điều phối các chính sách, hoạt động từ ứng phó biến đổi khí hậu đến xử lý các khoản nợ ở nước ngoài...
Phiên An
Bài viết đóng góp, xin gửi về email:
vnkinhtenews@gmail.com