Áp lực núi nợ của các địa phương Trung Quốc

KINHTENEWS - Chiếm phần không nhỏ trong núi nợ công 23.000 tỷ USD, nợ của các địa phương đang trở thành rủi ro tài chính lớn mà Chính phủ Trung Quốc cần giải quyết.

Vào năm 2021, Hạc Cương, thị trấn gần một triệu dân thuộc tỉnh Hắc Long Giang, buộc phải tái cấu trúc tài chính khẩn cấp.

Từ trước đó 18 tháng, thị trấn này đã ngập trong núi nợ cao gấp đôi thu nhập tài chính. Tình hình khiến chính quyền thị trấn phải lần đầu tiên thực hiện các bước khẩn cấp để đối phó với rủi ro, theo quy định được ban hành năm 2016 bởi Hội đồng Nhà nước.

Đến nay, người Hạc Cương vẫn cảm thấy gánh nặng của việc thắt chặt tài chính. Theo ghi nhận gần đây của Bloomberg, cư dân phàn nàn về việc thiếu hệ thống sưởi trong nhà vào mùa đông. Tài xế taxi cho biết bị phạt lỗi vi phạm giao thông nhiều hơn. Các giáo viên trường công lo lắng về nguy cơ mất việc. Công nhân vệ sinh đường phố bị chậm lương hai tháng.

Hạc Cương chỉ là phần nổi của tảng băng trong vấn đề nợ của chính quyền địa phương. Đây là điều đang khiến các nhà đầu tư lo lắng và có nguy cơ trở thành lực cản đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trong nhiều năm tới.

Goldman Sachs ước tính tổng nợ công của Trung Quốc hiện khoảng 23.000 tỷ USD. Nó gồm cả trái phiếu chính phủ, trái phiếu địa phương và khoản vay ngầm của các công ty tài chính do chính quyền địa phương lập ra (LGFV). Trong đó, riêng khoản nợ ngầm này đã tăng lên 57.000 tỷ nhân dân tệ (8.300 tỷ USD) vào năm 2022, tương đương 48% GDP Trung Quốc, theo ước tính từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF.

Khả năng vỡ nợ ở các địa phương là tương đối thấp, do Bắc Kinh ngầm đảm bảo cho họ. Nhưng mối lo ngại lớn hơn là chính quyền địa phương sẽ phải cắt giảm mạnh chi tiêu hoặc rút tiền ra khỏi các dự án thúc đẩy tăng trưởng để trả nợ. Vì vậy, nó sẽ đe dọa mục tiêu thu hẹp khoảng cách giàu nghèo ở nước này.

"Nhiều thành phố sẽ giống như Hạc Cương trong vài năm tới", Houze Song, nhà kinh tế tại tổ chức tư vấn MacroPolo (Mỹ), đánh giá. Chuyên gia này đồng thời chỉ ra nguy cơ giảm và già, có nghĩa là nhiều thành phố không có đủ lực lượng lao động để duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế và doanh thu thuế.

Trước mắt, trung ương có thể giữ ổn định bằng cách yêu cầu các ngân hàng đảo nợ cho chính quyền địa phương. Nếu không gia hạn khoản vay, "thực tế là hơn hai phần ba địa phương sẽ không thể trả nợ đúng hạn", theo Song. Tại Hắc Long Giang, các nhà đầu tư trái phiếu đã cảnh giác. Trái phiếu 7 năm của tỉnh có lợi suất trung bình là 3,53%, cao hơn 18,8 điểm cơ bản so với mức trung bình trên toàn quốc. Lợi suất càng cao nghĩa là rủi ro càng lớn.

Việc tái cấu trúc tài chính có thể được kích hoạt theo một trong hai trường hợp: nếu các khoản thanh toán lãi cho trái phiếu của một đô thị vượt quá 10% chi tiêu hoặc nếu các lãnh đạo địa phương cho rằng điều đó là cần thiết.

Công ty Chứng khoán Yuekai ước tính có 17 thành phố đã trả lãi trái phiếu hơn 7% chi tiêu ngân sách của họ vào năm 2020, nghĩa là họ sắp vi phạm ngưỡng 10%. Các thành phố này chủ yếu ở các tỉnh nghèo như Liêu Ninh hay Nội Mông.

Nhiều năm qua, Bắc Kinh đã thúc đẩy các chính quyền địa phương hạn chế rủi ro nợ, đặc biệt là loại nợ "ẩn" - tức các khoản nợ ngầm của các công ty tài chính do chính quyền địa phương lập. Bộ trưởng Tài chính Lưu Côn cũng trấn an rằng tình hình tài chính của các chính quyền địa phương nhìn chung là "ổn định".

Dẫu vậy, Jean Oi, Giáo sư chính trị tại Đại học Stanford, người chuyên nghiên cứu về cải cách tài chính của Trung Quốc, cho biết vấn đề nợ của chính quyền địa phương lan rộng khắp cả nước. "Trong khi các khu vực ven biển thịnh vượng có nhiều cơ hội và nguồn lực hơn để trả nợ, những nơi kém phát triển hơn như Hạc Cương bị hạn chế nhiều trong những gì họ có thể làm", ông nói.

Hồi 2020, Hạc Cương không thể trả khoản nợ gốc và lãi trị giá 5,57 tỷ nhân dân tệ vì thiếu tiền. Đến 2021, tổng nợ của thành phố tăng lên gần 30 tỷ nhân dân tệ, tương đương 230% thu nhập tài chính. Họ đạt được một số tiến bộ với tỷ lệ nợ giảm xuống 209% vào 2022.

Thu nhập chung của thị trấn, chủ yếu đến từ thuế, tăng 9% vào năm 2022, một phần do giá than tăng cao. Thu từ các khoản phạt và bán tài sản nhà nước ước tăng 10%, nhưng chỉ chiếm một phần nhỏ so với nhu cầu. Khoảng một nửa nguồn thu năm ngoái là nhận từ chính quyền tỉnh.


Hạc Cương đang chào mời du lịch và các ngành công nghiệp mới như khai thác than chì để giảm sự phụ thuộc vào than đá. Nhưng than chì - khoáng chất được sử dụng trong mọi thứ, từ bút chì đến pin xe điện - là ngành tương đối nhỏ, chiếm một phần sáu ngành than địa phương năm 2020. Dù có 3 công viên quốc gia và một khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước, nhưng vị trí xa xôi và mùa đông lạnh đến -20 độ C cũng hạn chế sức hấp dẫn du khách.

Trong báo cáo hàng năm hồi tháng 3, Thị trưởng Hạc Cương Wang Xingzhu thừa nhận "các ngành công nghiệp mới nổi chưa tạo thành chỗ dựa vững chắc" cho nền kinh tế trong khi "các ngành truyền thống đang cần khẩn cấp nâng cấp và chuyển đổi". Tuy nhiên, ông lạc quan thị trấn đã vượt qua giai đoạn nợ nần khó khăn nhất.

Một điểm thu hút tiềm năng của thị trấn này là giá bất động sản rẻ, với giá nhà thấp nhất trong số các thị trấn của Trung Quốc, do dân số giảm và nguồn cung quá mức. Điều này đã thu hút một số người trẻ vỡ mộng mua nhà ở các thành phố lớn. Diya, ca sĩ 33 tuổi kiêm giáo viên âm nhạc, đã chuyển từ Thượng Hải đến đây được 2 năm.

Diya nói dù cố gắng hết sức và làm việc 24 giờ một ngày thì vẫn không có khả năng mua nhà Thượng Hải. Còn giờ, anh đã sở hữu 3 bất động sản ở Hạc Cương. Trong đó, căn anh đang ở rộng 50 m2, có giá 40.000 nhân dân tệ - bằng 1% giá trị của căn hộ có diện tích tương tự ở Thượng Hải.

Phiên An
Bài viết đóng góp, xin gửi về email: vnkinhtenews@gmail.com

Kinh tế News ©


Email: kinhtenews@gmail.com
Ghi rõ nguồn Kinhtenews khi phát hành lại những thông tin này!

Văn phòng Miền Bắc: Tòa nhà ACB, 10 Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm, Hà Nội
Văn Phòng Miền Nam: An Phú Plaza,117-119 Lý Chính Thắng, P.7, Q.3
ĐT:(08) 38 330 888 - Fax: (08) 38 330 889